Vì sao hơn 3.500 người mắc bẫy vip-viet.com?

Thứ Năm, 05/06/2008, 08:30
Vừa tham lãi suất cao, vừa thiếu hiểu biết về kinh doanh tài chính trên mạng, hơn 3.500 người đã bị "lừa đẹp" chỉ trong 1 vụ của Công ty Trí Việt.

Như Báo CAND đưa tin, cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội vừa thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Vũ Đức Thọ (24 tuổi) quê Mỹ Lương, Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình, tạm trú tại toà nhà 262 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Trí Việt (Công ty Trí Việt).

Vũ Đức Thọ đã thành lập một trang web riêng có tên Vip-viet.com để thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức huy động vốn vay trả lãi suất cao. Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, đã có hàng nghìn người mắc bẫy khi tham gia vào trang web này... 

Những thủ đoạn tinh vi

Theo lời khai của Vũ Đức Thọ tại cơ quan điều tra, sinh ra trong một gia đình cơ bản, Thọ được bố mẹ nuôi ăn học chu đáo. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Truyền hình, Thọ từng có thời gian cộng tác với Đài truyền hình, sau đó chuyển sang làm việc tại 2 công ty cổ phần đầu tư thương mại tại Hà Nội, trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư thương mại T.Đ. đã từng bị cơ quan chức năng xử lý về hình thức kinh doanh tiền tệ qua mạng.

Cùng thời gian này, Thọ lên mạng Internet truy cập vào các trang web cũng hoạt động huy động tiền gửi qua mạng như Colony Invest, Money 100USD… để tìm hiểu cách thức kinh doanh (thời điểm này các trang web trên chưa bị phát hiện việc vi phạm pháp luật).

Thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng, Thọ đã tiến hành thành lập Công ty Trí Việt, mở website có địa chỉ: www.vip-viet.com, thuê một sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa thiết kế phần mềm với giá 30 triệu đồng.

Ngày 26/10/2007, trang web này chính thức đi vào hoạt động. Để hút người tham gia, Thọ tự tạo ra 500 thành viên "ảo" để chạy thử nghiệm chương trình, mặt khác làm cho những người khác khi truy cập vào trang web này đều nhầm tưởng đây là một trang web đã có uy tín với số lượng người tham gia đông, từ đó yên tâm khi bỏ tiền đầu tư.

Ngay sau đó, Thọ tổ chức những cuộc hội thảo tại những địa điểm đẹp, phát tờ rơi, treo băng-rôn quảng cáo.

Tại những cuộc hội thảo này, Thọ mời một số chuyên gia kinh tế văn phòng luật sư đến nói chuyện về hình thức kinh doanh mạng, khiến những người tham dự nhầm hiểu rằng việc kinh doanh qua mạng của Thọ là hợp pháp, đã được cơ quan chức năng công nhận.

Cũng tại các cuộc hội thảo này, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Trí Việt Vũ Đức Thọ phát biểu hùng hồn rằng số tiền huy động sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án lớn có tính chất lâu dài như dự án xây dựng bệnh viện lớn nhất Hà Nội, dự án khu vui chơi giải trí, đầu tư bất động sản… Do đó nếu thành viên nào góp nhiều tiền và đưa được càng nhiều người tham gia thì quyền lợi sẽ càng lớn.

Sau khi trang web Vip-viet.com bị sập, Vũ Đức Thọ vẫn gửi thông báo trấn an các thành viên tham gia.

Với sự khuếch trương rầm rộ của Công ty Trí Việt có chính sách hoa hồng cực cao, cùng vẻ ngoài đẹp mã, tài ăn nói lưu loát của Vũ Đức Thọ, những người tham gia hội thảo đã tin tưởng và sa vào cái bẫy đã được Thọ giăng sẵn...

Bản Dự án VIP-VIET được Vũ Đức Thọ nhanh chóng soạn thảo và phát tới tay những người tham gia. Trong dự án này, Vũ Đức Thọ quảng cáo rằng chương trình phát triển dự án được xây dựng công phu chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất với sự cố vấn của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam.

Theo đó, dự án này có 6 chương trình: Chương trình 30T quy định người tham gia đầu tư phải nộp vào công ty hoặc mua của người khác đã tham gia là 30 USD tương đương 30T (1T là đơn vị tiền ảo trong trang web, được tính bằng 1USD theo quy định của Thọ).

Trong vòng 50 ngày, người tham gia được trả lợi tức mỗi ngày vào tài khoản 1T liên tục trong 30 ngày. 20 ngày tiếp theo, mỗi ngày người tham gia được hưởng 0,5T vào tài khoản; 0,5T vào tái đầu tư, được hưởng hoa hồng khi giới thiệu thành viên tham gia (5 tầng với hoa hồng từ 1% đến 10% theo tầng).

Như vậy sau 50 ngày, người tham gia được nhận 40T tương đương 40 USD trong tài khoản, trong đó lãi 10 USD=33,3%/50 ngày (20%/tháng) và còn có 10T vào tài khoản tái đầu tư nhưng không được rút hoặc sang nhượng bán cho người khác. Tương tự như vậy, các chương trình 50T, 100T, 500T, 1.000T, 10.000T với mức lãi suất /tháng và hoa hồng nâng cao hơn.

Điều kiện thanh toán cho người tham gia các chương trình trên là 15T (với 30T); 30T (với 50T); 50T (với 100T); 300T (với 500T); 500T (với 1.000T) và 4.000T (với 10.000T).

Việc thanh toán bằng cách bán nhượng lại cho người khác hoặc công ty thanh toán 1T=16.000 đồng. Khoản điểm tái đầu tư thực chất không có giá trị vì không được thanh toán. Việc thu tiền và cấp mã số pin ban đầu cho người tham gia do Thọ thực hiện.

Sau đó khi người tham gia tự trao đổi mua bán đủ số tiền theo chương trình thì hệ thống máy tính tự cấp mã pin, tài khoản và người tham gia tự chọn mật khẩu của mình.

Lợi nhuận phát sinh hàng ngày, hàng tháng của từng chương trình sẽ tự nhảy do lập trình sẵn của trang web. Thọ mở tài khoản tại Ngân hàng Đông Á chi nhánh Thanh Xuân và yêu cầu các thành viên tham gia cũng phải mở tài khoản tại đây.

Thời gian đầu, những người mới tham gia thử rút tiền lãi, thấy đúng như quy định của Công ty Trí Việt nên họ nhanh chóng thông báo và lôi kéo bạn bè, người thân cùng tham gia nhằm tăng hoa hồng cho bản thân.

Vạch mặt kẻ lừa đảo    

Thời điểm cuối tháng 10/2007, hình thức lừa đảo thông qua việc huy động vốn lãi suất cao trên mạng Internet đã được Bộ Công an phát hiện và tập trung triệt phá. Một loạt đường dây lừa đảo như Colony Invest, Money 100 USD lần lượt bị sập.

Hoạt động của trang web Vip-viet.com của Vũ Đức Thọ cũng đã được CSĐT tội phạm về kinh tế Công an Hà Nội phát hiện và ngăn chặn, khi mới đi vào hoạt động được 2 tuần.

Mặc dù mới hoạt động nhưng với những "chiêu" lừa hấp dẫn, trang web này đã có 3.578 người tham gia, trong đó có 1.456 thành viên miễn phí và 2.122 thành viên đã nộp tiền vào công ty của Vũ Đức Thọ. 

Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đề nghị những ai là bị hại trong vụ án trên, liên hệ điều tra viên Phạm Anh Đức để giải quyết. ĐT: 0913520278, 04.9396251.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã làm rõ, chỉ với 5 người tham gia do Vũ Đức Thọ trực tiếp thu tiền, số tiền mà Thọ chiếm đoạt đã lên tới 100.000 USD. Số tiền này được Thọ đưa vào tài khoản cá nhân của chị gái và thanh toán một phần lãi cho những người chơi (khoảng 280 triệu đồng), mua sắm trang thiết bị cho công ty, tổ chức quảng cáo... Còn lại Thọ đã chi tiêu cá nhân hết.

Sau khi bị cơ quan Công an phát hiện, Thọ đã hoàn trả cho những người tham gia trên 447 triệu đồng và nộp 760 triệu đồng khắc phục hậu quả tại cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan điều tra, số tài sản mà Vũ Đức Thọ đã chiếm đoạt còn lớn hơn rất nhiều bởi qua lời khai của 14 người bị hại, đã xác định số tiền mà họ đã tham gia là gần 2 tỷ đồng và 4.600 USD, trong đó Thọ thu trực tiếp trên 1,9 tỷ đồng.

Những người này tiếp tục chia nhỏ tài khoản để mua bán trên mạng nên thiệt hại sẽ là cấp số nhân. Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì con số thành viên tham gia góp vốn vào trang web lừa đảo này sẽ lên đến hàng trăm nghìn người.

Cơ quan điều tra cũng cho biết, phần lớn người bị hại của Thọ ở Hà Nội và TP HCM, trong đó người bỏ tiền đầu tư nhiều nhất lên tới trên 800 triệu đồng. Trong số những người bị hại, không ít người là công chức, sinh viên và cả doanh nhân. Những người bị hại cho biết việc tham gia do có sự giới thiệu, đứng ra bảo lãnh của bạn bè, người thân nên hoàn toàn tin tưởng.

Thậm chí, khi đã bị cơ quan Công an mời lên làm việc và trang web Vip-viet đã bị sập, Vũ Đức Thọ vẫn đưa một thông báo lên trang web này với nội dung trấn an các thành viên bằng lý do Ban lãnh đạo dự án chưa kịp phản hồi thông tin, xin rút kinh nghiệm và sẽ đưa ra những chương trình mới để các thành viên yên tâm tham gia cũng như đảm bảo quyền lợi của các thành viên.

Trong thông báo, thật nực cười khi Vũ Đức Thọ kèm theo lời chúc mừng các thành viên một năm mới "May mắn - Hạnh phúc - Thành đạt"(?!)

Tuy nhiên, bộ mặt lừa đảo của Vũ Đức Thọ dù có tinh vi đến mấy cũng đã bị cơ quan Công an vạch trần. Tại cơ quan điều tra, Vũ Đức Thọ đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Công ty Trí Việt do Thọ thành lập không có chức năng kinh doanh tiền tệ và hoạt động tín dụng; vốn điều lệ 1 tỷ đồng tự bịa ra khi làm thủ tục thành lập công ty.

Toàn bộ việc thu chi tiền của những người tham gia, Công ty Trí Việt không có sổ sách kế toán theo dõi, không có chứng từ thu chi và không kê khai thuế. Việc trả lãi suất cao như vậy là dùng tiền của người tham gia sau để trả lãi cho người tham gia trước.

Thế là, vừa tham lãi suất cao, vừa thiếu hiểu biết về kinh doanh tài chính trên mạng, hơn 3.500 người đã bị "lừa đẹp" chỉ trong 1 vụ của Công ty Trí Việt. Hy vọng rằng sẽ không ai còn mắc bẫy kiểu lừa thời kinh tế thị trường thế này nữa

Minh Khoa - Hương Vũ
.
.
.