Vì sao doanh nghiệp Việt khó đưa hàng vào siêu thị?

Thứ Sáu, 31/10/2014, 10:15
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) liên tục than phiền vì các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị nói ưu tiên hàng Việt, nhưng thực tế các DN rất khó đưa hàng vào siêu thị vì nhiều lý do: chiết khấu cao, thông tin siêu thị không minh bạch nên DN không biết đường để đáp ứng, thậm chí DN còn phải trả nhiều loại phí “không tên”... Còn các hệ thống phân phối thì “phản pháo” lại cho rằng, hàng không vào được siêu thị là do DN…

Trong buổi gặp gỡ giữa các Sở Công Thương của 32 tỉnh, thành mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Việt Bắc - Phó GĐ Sở Công thương Cần Thơ cho rằng, các công ty lớn hoặc những công ty có sản phẩm đặc thù, sản phẩm truyền thống đã có xuất khẩu thì hoạt động maketing rất mạnh. Còn những DN vừa và nhỏ mới “ngoi lên” thì rất cần sự nâng đỡ của Sở Công Thương và các tổ chức khác. Nhưng thực tế, một số siêu thị không đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng nên DN không biết đường nào để đáp ứng. Như siêu thị nhánh ở Cần Thơ, khi DN muốn đưa hàng vào thì phía siêu thị nói phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ, chứ DN đưa ngang vào thì không được, dù sản phẩm của DN có chuẩn như thế nào đi nữa? “Các DN, nhất là DN vừa và nhỏ sợ, nhất là những loại phí không thể nêu tên, bởi vì DN không thể hạch toán vào đâu được”, ông Bắc cho biết.

Không riêng DN ở TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác DN cũng “kêu trời” về việc khó đưa hàng vào siêu thị. Trong khi đó, về phía siêu thị, ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho rằng: “Nói siêu thị “làm khó” DN, ít minh bạch đối với DN thì là bị… oan. DN phải thông cảm vì siêu thị đối mặt với nhiều thứ, chịu rất nhiều áp lực, như: khách hàng, cơ sở pháp lý để được bán hàng… Đã là siêu thị thì hầu như tính minh bạch phải rất cao, từ các tiêu chí hàng hóa, đến các điều kiện thanh toán…, nếu không minh bạch thì không thể làm siêu thị được”.

Doanh nghiệp rất muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị vì đây là kênh bán hàng và quảng bá thương hiệu rất hiệu quả. Ảnh minh họa: CTV.

Nói về lỗi của DN, ông Sơn trần tình: “Năm 2013, khi tham gia “Chương trình hợp tác thương mại – Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành”, siêu thị Tứ Sơn đã ký được với 16 DN để cung ứng hàng hóa. Sau khi ký kết, siêu thị tạo điều kiện ưu tiên tối đa để tiếp nhận hàng hóa của các DN nhưng cuối cùng siêu thị Tứ Sơn chỉ nhận được 12 DN. Điều này tôi muốn nói là do nhận thức của DN chứ đừng đổ lỗi hết cho siêu thị”.

Ông Sơn  dẫn chứng: “Sau khi gặp gỡ DN, tôi xuống tận cơ sở sản xuất rượu hồ lô ở Đồng Nai. Vì cơ sở pháp lý để bán rượu hiện nay rất nghiêm ngặt nên tôi yêu cầu đơn vị phải hoàn chỉnh cơ sở pháp lý, trong đó có hợp đồng. Thật bất ngờ, bên bán trả lời: “khỏi ký cũng bán ào ào à, được như cũ thì mua, không được thì thôi”. Tất nhiên, vì tự ái, không thể “năn nỉ” DN nên siêu thị không mua hàng của đơn vị này. Lần khác, khi xem xong hàng ở một tỉnh miền Tây, tôi hỏi: “Cái này mua có cơ sở pháp lý hay không?”, có chỗ trả lời có, có chỗ nói không. Có chỗ được được thì “phán” một câu: “Muốn mua thì gửi tiền xuống trước, sẽ gửi hàng lên sau”. Tôi nói đồng ý gửi tiền trước nhưng cũng phải cho tôi biết kích cỡ, cơ sở pháp lý… của sản phẩm thế nào chứ, thì nghe bên bán trả lời: “Ông lên Châu Đốc mua luôn đi, ngày nào cũng có xe lên đó, mua trên đó còn rẻ hơn mua ở đây”. Còn ở Đồng Tháp, siêu thị gửi thông tin đến nơi sản xuất rượu Sen Hồng, nhưng đến nay chờ mãi vẫn không thấy DN hồi âm, trả lời… Qua những trường hợp trên cho thấy, công tác chiêu thị và tiếp cận thị trường của các DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ. Trong khi đó, hiện nay hàng Thái Lan đang lan tỏa, thâm nhập các hang cùng ngõ hẻm… và việc tiếp cận thị trường của họ cũng rất tốt.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, những “tồn tại” chưa được tháo gỡ đều có ở DN và cả hệ thống phân phối. Như vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, HTX heo Tiên Phong kết nối với Vissan nhưng cuối cùng không giao được hàng. Sở Công Thương với Sở NN&PTNT phải “ngồi lại” để tháo gỡ vấn đề này thì mới biết nguyên nhân: HTX có mười mấy người nuôi heo, chất lượng heo không đồng đều. Do chất lượng không đều nên giá mua khác nhau, dẫn đến có người đem ra ngoài bán. Rồi tiếp nữa là có người chịu xuất hóa đơn, có người không chịu xuất, trong khi nhà phân phối, nhà sản xuất buộc phải có hóa đơn đầu vào. Vì thế, hai bên không thể “gặp nhau”.

Doanh nghiệp rất muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị vì đây là kênh bán hàng và quảng bá thương hiệu rất hiệu quả. Ảnh minh họa: CTV.

Một trường hợp khác là HTX rau sạch ký với chợ đầu mối cung cấp rau sạch. Tuy nhiên, sau khi giao được 2 lần thì ngưng nên HTX “kêu” rất dữ. Đến khi Sở Công Thương mời hai bên cùng gặp để hỏi lý do thì mới biết: Bữa nay giao thì rất là tốt, nhưng tới chiều hết rau, kêu giao nữa thì HTX không có người giao. Qua ngày mai cũng vậy, chỉ giao giờ đó thôi, chứ “cháy” giờ thì không giao được. Làm 2-3 lần như vậy thì nhà thu mua họ không mua nữa. Có trường hợp khi DN đưa hàng vào siêu thị rồi, thời gian đầu làm ăn rất tốt nhưng sau đó không giữ uy tín, đưa hàng vi phạm VSATTP vào, như sản phẩm chả cá “Hai chị em” của Công ty CP Canh Chua Việt đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện…

Còn về phía siêu thị, bà Đào cũng chỉ ra mặt hàng có chiết khấu rất cao là mặt hàng cặp ba lô túi xách học sinh, chiết khấu từ 30% trở lên và đề nghị hệ thống phân phối phải xem xét lại. Còn về vấn đề DN phản ánh khi vào siêu thị phải có phí “bôi trơn”, bà Đào đề nghị hệ thống phân phối phải lập đường dây nóng để phát hiện vấn đề này. “Sắp tới, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình kết nối” cung – cầu giữa TP Hồ Chí Minh với 32 tỉnh, thành. Trong đó, tại buổi tọa đàm, sẽ có nhà phân phối giải đáp các vấn đề “nóng” mà các nhà cung cấp quan tâm trong thời gian qua khi đưa hàng vào siêu thị, như: chiết khấu, chi phí “bôi trơn”, thanh toán, tiêu chí đưa hàng vào siêu thị… Đồng thời, cũng có ý kiến của nhà cung cấp thành công và nhà cung cấp không thành công để họ nói những khó khăn và nhà phân phối giải đáp”, bà Đào cho biết

Thúy Hà
.
.
.