Cầu chui Văn Thánh 2 sụp, lún:

Vì sao chủ đầu tư vẫn không bị xử lý hình sự?

Chủ Nhật, 02/04/2006, 07:03

Không có năng lực, kinh nghiệm thi công các công trình cầu, hầm lớn nhưng ngày Công ty Thanh niên xung phong (Công ty TNXP) TP HCM vẫn được giao làm chủ đầu tư tuyến đường Lê Thánh Tôn nối dài. Trong đó bao gồm cả cầu và hầm chui Văn Thánh 2 (VT2), cầu vượt nút giao thông, đoạn gần cầu Sài Gòn.

Có được dự án, Công ty TNXP đã ký hợp đồng với các đơn vị như Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, Tổng Công ty Xây dựng công trình 6 (TCT6) và Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam để tiến hành khảo sát thiết kế, thi công và giám sát kỹ thuật.

Ngày 28/8/2001, hạng mục các đường chui sau mố cầu VT2 đã ồ ạt thi công, nhưng đến ngày 24/9/2001, hồ sơ bản vẽ thi công các công trình này mới hoàn tất và chính thức được giao cho chủ đầu tư. Để giải quyết việc "ăn cơm trước kẻng" này, sau đó, Công ty TNXP và TCT6 mới ngồi với nhau để hợp thức hóa thủ tục giao thầu xây dựng các đường chui sau mố cầu VT2.

Ngày 26/12/2001, hai bên tiếp tục ký phụ lục số 09, nội dung: Công ty TNXP giao cho TCT6 nhận thi công đường chui sau mố cầu VT2 với tổng kinh phí là 3,9 tỷ đồng. Nhưng thực tế tại thời điểm này, phần hầm chui bê tông cốt thép (phần chính) của đường chui sau mố cầu VT2 đã được thi công xong. Nhà thầu đã lập hồ sơ đề nghị tổ chức nghiệm thu để thực hiện tiếp phần mặt đường.

Mặc dù đã biết phần móng và cốt thép đường chui sau mố cầu VT2 thi công sai thiết kế, nhưng tất cả những người có trách nhiệm là Trần Thanh Hương, Hoàng Văn Tiến, Nguyễn Đình Bảo - cán bộ giám sát thi công công trình cùng với Dương Quang Vinh, Trịnh Tuấn Thanh - đại diện đội thi công vẫn ký tên xác định: Thi công bảo đảm chất lượng, phù hợp thiết kế, đồng ý cho thi công tiếp.

Đầu năm 2002, sau khi thực hiện thông xe trên đường Lê Thánh Tôn nối dài được hơn 1 tháng thì phát hiện các đường chui ở hai đầu cầu VT2 đồng loạt bị lún. Đến tháng 6/2002 thì đường chui đã lún sâu trên 1m so với thiết kế và tiếp tục lún. Sau đó nhiều giải pháp và tiền bạc đã được đưa ra để khắc phục sự cố này. Nhưng thực tế nhiều năm qua, không riêng hầm chui VT2 mà tất cả các hạng mục công trình như: cầu VT2, cầu vượt nút giao thông gần cầu Sài Gòn và toàn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu Văn Thánh 2 bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ngay khi sự cố xảy ra, Bộ Công an đã vào cuộc và tiến hành khởi tô,ë bắt tạm giam 9 bị can và đưa ra Hà Nội để tiến hành điều tra. Lê Thanh Liêm - Chủ nhiệm đồ án thiết kế, Trần Đại Minh - Trưởng phòng thiết kế kiêm KCS, Đỗ Văn Hùng - cán bộ thẩm định, Hoàng Văn Tiến - cán bộ kỹ thuật TCT6 là cán bộ giám sát cùng bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Dương Quang Vinh, Đội trưởng, Trịnh Tuấn Thanh, Đội phó Đội thi công số 3, Công ty 621 đã bị khởi tố về tội "Tham ô tài sản".

Cùng bị khởi tố về tội tham ô còn có Quách Vạn Đức và Bùi Tấn Ân. Trần Thanh Hương - nhân viên Phân viện KHCN GTVT chịu trách nhiệm tư vấn giám sát công trình bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định của Nhà nước về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngày 31/7/2002, Cục CSKT đã được lệnh bàn giao toàn bộ vụ án này về cho CATP HCM thụ lý điều tra. Ngày 10/11/2003, VKSND TP HCM đã có cáo trạng truy tố các đối tượng ra trước tòa để xét xử. Tuy nhiên, một số cán bộ của Cục CSKT trực tiếp điều tra vụ án này thắc mắc, số tiền mà Vinh và Thanh đã tham ô là 866 triệu đồng thì trong cáo trạng nay chỉ còn 87 triệu đồng?

Một điều khó hiểu trong vụ án này là, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố sụp hầm chui VT2 được các cơ quan chức năng xác định là Công ty TNXP - chủ đầu tư đã nôn nóng hoàn thành sớm công trình mà bỏ qua công đoạn kỹ thuật quan trọng là "phải đắp đất gia tải và chờ lún", 8 tháng sau mới được thi công tiếp. Vậy nhưng chưa một cán bộ lãnh đạo của công ty này bị truy tố, trong đó có bị can bị truy tố đang kêu oan và cho rằng, nguyên nhân chính trong vụ án này đã bị đẩy sang một hướng khác có lợi cho chủ đầu tư (tức Công ty TNXP)

Nhóm PV Pháp luật
.
.
.