Vi phạm bản quyền phần mềm, doanh nghiệp đầu tiên phải đền bù tiền tỷ

Thứ Bảy, 08/03/2014, 10:01
Lần đầu tiên, một doanh nghiệp (DN) nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam đã bị khởi kiện ra tòa và phải bồi thường tiền tỷ, do hành vi sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp.

Vụ việc này đánh dấu một bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) máy tính tại Việt Nam, được khởi động từ năm 2004. Sau hơn 9 năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính, giờ đây, kênh tòa án đã được đưa vào để xử lý các vụ việc vi phạm BQPM và bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan.

Ngày 7/3, đại diện Liên minh phần mềm quốc tế (BSA) tại Việt Nam cho biết: Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Long John Đồng Nai) vừa đạt được thỏa thuận đền bù với Microsoft và Lạc Việt trong vụ khởi kiện ra tòa án tỉnh Đồng Nai, do dùng phần mềm bất hợp pháp vào cuối năm 2013. Theo thỏa thuận, Công ty Long John Đồng Nai đã cam kết thực hiện mọi yêu cầu đặt ra từ Microsoft và Lạc Việt, bao gồm việc công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại 100% giá trị phần mềm vi phạm, khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau hơn 2 tháng Tòa án Đồng Nai chính thức thụ lý vụ kiện, cả hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải. Công ty Long John Đồng Nai cũng đã phát đi thông báo công khai xin lỗi Microsoft và Lạc Việt do hành vi sử dụng phần mềm Microsoft Windows, Microsoft Office và từ điển Lạc Việt MTD không có bản quyền trong hoạt động kinh doanh. DN này cũng thừa nhận rằng, hành vi xâm phạm BQPM của Microsoft và Lạc Việt là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Trước đó, trong cuộc kiểm tra đột xuất do Thanh tra Bộ VH&TTDL phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an được thực hiện vào ngày 17/6/2013 tại Công ty Long John Đồng Nai, đã tìm thấy một lượng phần mềm lớn không có bản quyền của Lạc Việt và Microsoft được cài đặt bất hợp pháp trong 69 máy tính được sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty này với giá trị ước tính lên tới gần 1 tỷ đồng. Ngay sau đó, DN này đã bị Công ty Lạc Việt và Microsoft Việt Nam cáo buộc hành vi sử dụng lượng lớn phần mềm bất hợp pháp. Đồng thời khởi kiện lên Tòa án tỉnh Đồng Nai về hành vi vi phạm.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, đại diện của BSA tại Việt Nam khẳng định: Sẽ không ngại khởi kiện bất kỳ đơn vị nào vi phạm BQPM. Trong vài tuần tới, sẽ tiếp tục có những DN vi phạm BQPM tại Việt Nam bị kiện ra tòa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, rất nhiều DN đang sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa và những rắc rối về pháp lý. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, những động thái mạnh mẽ của BSA và các DN phần mềm hứa hẹn một năm rất “nóng” trong lĩnh vực BQPM khi kênh tòa án được đưa vào áp dụng xử phạt, sau gần 10 năm chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính. Ông Vũ Ngọc Hoan, quyền Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho rằng: Song song với việc tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ thì cần phải có những biện pháp thực thi mạnh mẽ.

Đứng về phía cơ quan Nhà nước, quan điểm của chúng tôi là khuyến khích các chủ sở hữu quyền tác giả nếu thấy các sản phẩm của mình bị xâm phạm thì nên đưa đơn ra tòa dân sự để giải quyết và có thể lấy lại được các thiệt hại do các đối tượng gây ra. Các biện pháp này cũng nhằm cảnh báo cho các đối tượng khác, từ đó ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL cũng nhấn mạnh: “Cá nhân tôi, tôi khuyến khích các DN khởi kiện, bởi giải quyết bằng luật là cách giải quyết tốt nhất, triệt để nhất và hướng tới phải giải quyết theo hướng này, chứ không phải chỉ xử lý hành chính như lâu nay. Tranh chấp sở hữu trí tuệ phải giải quyết bằng tòa án, bởi nó là tài sản nên phải giải quyết ở tòa”.

Đồng thời, ông Thành cũng cho rằng, cần phải nâng cao năng lực hoạt động của toà án, giảm bớt những phiền phức, nhiêu khê. Đặc biệt, nếu tiến tới các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ đều giải quyết bằng toà, thì cũng cần có những thẩm phán trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp hơn, qua đó tạo niềm tin cho chủ sở hữu trí tuệ để họ sẵn sàng ra tòa

Huyền Thanh
.
.
.