Về nơi ngăn hàng lậu ở cửa khẩu Lao Bảo

Thứ Tư, 26/03/2014, 09:30
Từ lâu tuyến biên giới Quảng Trị vốn là điểm "nóng" về buôn lậu, nhất là về các mặt hàng thuốc lá, gỗ trắc, điện tử, hàng tiêu dùng…

Trung tuần tháng 3, có mặt tại Lao Bảo, dòng sông biên giới Sê Pôn - ranh giới giữa hai nước Việt Nam - Lào đang mùa nước cạn, có khúc sông có thể lội qua, nhưng ở đây vào dịp này vắng lặng, thanh bình, dọc tuyến sông dài hơn 100km không thấy bóng dáng một chiếc thuyền chở hàng hóa từ bên kia biên giới sang.

Thế nhưng trên thực tế theo ghi nhận của PV Báo CAND ngày 18/3 tại Khu Kinh tế thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo, hoạt động buôn lậu, gian lận thuơng mại ở khu vực này vẫn rất nóng bỏng và phức tạp. Buôn lậu qua biên giới giảm nhưng ngay tại Khu KTTMĐB Lao Bảo, vài năm trở lại đây tình trạng gian lận quay vòng hàng nội địa vào Khu KTTMĐB để trục lợi thuế GTGT đang gia tăng.

Hàng nhập lậu, quay vòng bị bắt giữ tại Đội Kiểm soát hải quan Quảng Trị.

Đơn cử, vào lúc 10h ngày 18/3, tại km 58 - quốc lộ 9, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Lê Thị Mai Lan trú tại thôn Lương Lệ, Hướng Hóa, Quảng Trị đang vận chuyển hàng hóa không có chứng từ. Tang vật vi phạm thu gồm 2 cuộn dây diện, trị giá 4 triệu đồng và 85 hộp bút bi Thiên Long được cất giấu trong 3 thùng carton bia. Đối tượng khai nhận chủ hàng thuê vận chuyển hàng hóa khoảng 30km từ Khu KTTMĐB Lao Bảo qua Trạm kiểm soát (Cổng B) đến km 44+100 thì được hưởng mức công khoảng 400-500 nghìn đồng/chuyến. Mỗi ngày vận chuyển ít nhất 2 chuyến/ngày. Tuy nhiên,  theo thông tin từ Đội Kiểm soát hải quan Quảng Trị, một ngày các đối tượng này có thể vận chuyển từ 7- 10 chuyến hàng, trị giá mỗi chuyến hàng từ 7-10 triệu đồng. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ bắt giữ vi phạm đối với hàng quay vòng được Đội Kiểm soát hải quan Quảng Trị thực hiện hàng ngày.

Lực lượng chức năng cho biết, sau khi xuất hàng lên cửa khẩu, các doanh nghiệp đã cho hàng quay trở lại nội địa thông qua những chuyến xe khách chạy từ Lao Bảo về Đông Hà. Để tránh sự kiểm tra, hàng hóa thường được bốc dỡ trước khi qua trạm kiểm soát, sau đó được chủ hàng thuê người người dân trong vùng gùi, cõng qua các lối mòn, tránh các chốt kiểm tra của lực lượng chức năng về điểm tập kết. Từ điểm tập kết này hàng hóa lại được bốc lên các xe để chở về kho của các doanh nghiệp, tiếp tục "quay vòng" nhằm kiếm lợi bất chính từ việc hoàn thuế GTGT. Điều này lý giải tại sao khi quan sát lượng xe khách đi lại trên tuyến quốc lộ 9 đoạn từ Khu KTTMĐB Lao Bảo xuôi về Đông Hà, xe chạy rất nhiều nhưng điều kỳ lạ là rất ít khách trên những chuyến xe này.

Quan sát cung đường này chúng tôi còn nhận thấy các xe chở hàng hoặc các đối tượng gùi cõng, chở hàng thuê thường lợi dụng lúc lực lượng chức năng tạm nghỉ ăn trưa, lực lượng mỏng để xé lẻ hàng hóa gian lận chuyển về nội địa thông qua các đường rừng hoặc lối mòn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống của lực lượng chức năng.

Ông Hoàng Bá Linh, Chi cục trưởng Hải quan Khu KTTMĐB Lao Bảo cho biết, năm 2013 chỉ riêng tiền hoàn thuế GTGT ước tính 300 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm 2014, hàng Việt Nam nhập vào Khu KTTMĐB Lao Bảo lên tới 488,56 tỷ đồng, bình quân lượng hàng nhập vào là 8 tỷ/ngày. Số thuế GTGT được hoàn từ đầu năm là 48 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ so với sức tiêu thụ của người dân ở khu vực này và trong số tiền được hoàn thuế này chắc chắn chiếm một lượng không nhỏ do các doanh nghiệp gian lận để chiếm đoạt thuế GTGT từ ngân sách nhà nước.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Minh Thành, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan Quảng Trị cho biết, trước thực trạng hàng hóa quay vòng trong Khu KTTMĐB Lao Bảo, đơn vị đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát 100% đối với hàng hóa nhập từ nội địa vào Khu KTTMĐB Lao Bảo, đồng thời đóng dấu theo dõi trực tiếp lên các lô hàng nhập này. Trong quá trình kiểm tra, đối với các lô hàng bị móp méo, bong tróc nhãn mác... không đủ điều kiện xuất khẩu theo quy định thì Đội Kiểm soát cũng yêu cầu DN đưa hàng trở lại nội địa. Trong 3 tháng đầu năm 2014, đơn vị đã thực hiện bắt giữ được 79 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm là 1,182 tỷ đồng; các mặt hàng chủ yếu là bia, hàng điện tử, đường kính trắng có xuất xứ từ nước ngoài và các loại hàng hóa tiêu dùng có xuất xứ từ Việt Nam.

Trước thực trạng trên, ông Bùi Thanh San, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị cho rằng, để phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, Cục Hải quan Quảng Trị đã thường xuyên theo dõi và kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Trị về danh mục mặt hàng dễ có khả năng quay vòng ra khỏi danh mục các mặt hàng được hoàn thuế GTGT. Quan điểm của cục là kiến nghị lãnh đạo các cấp tập trung ưu đãi đối với các mặt hàng về vật liệu xây dựng hoặc các nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông San cũng cho rằng, chống gian lận thương mại, buôn lậu không chỉ là nhiệm vụ của hải quan, biên phòng mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương. Làm sao phải tạo được công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, có như vậy, họ mới sẵn sàng từ bỏ lợi nhuận từ việc gùi cõng, xé lẻ hàng hóa vận chuyển từ Khu KTTMĐB Lao Bảo về nội địa. Đấy là cách phòng chống gian lận thương mại hàng hóa, chống buôn lậu hiệu quả nhất và bền vững nhất cho đến thời điểm này.

"Trong quý I, hoạt động buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cửa khẩu Lao Bảo giảm 83% về số vụ và 90% về giá so với quý IV/2013. Hàng lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng do Thái Lan sản xuất, hàng lâm sản có xuất xứ từ Lào. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu vẫn là gia cố trong các phương tiện vận chuyển hành khách XNC, lợi dụng hàng hóa cồng kềnh, khó kiểm soát (đá thạch cao) để chôn giấu, chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, thuê cửu vạn, xe thô sơ của người dân bản địa mang vác, kéo qua cửa khẩu", ông Đinh Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cho biết.

Lưu Hiệp

.
.
.