Vé máy bay điện tử lên ngôi

Chủ Nhật, 27/05/2007, 16:40
Hiện một số hãng hàng không chỉ bán vé máy bay điện tử cho hành khách, không còn bán vé giấy như cách mua vé thông thường nữa. Vé giấy đang dần đến thời điểm kết thúc sứ mệnh của mình.

Người dân trong nước bắt đầu làm quen với vé máy bay điện tử khi các hãng hàng không (HK) giá rẻ lần lượt đặt chân đến Việt Nam. Khi ấy mọi người cứ nghĩ hoạt động của HK giá rẻ là tiết kiệm tối đa các chi phí không cần thiết, kể cả việc mở các phòng vé, đại lý, tốn kém thêm về bộ máy, con người, cơ sở vật chất.

Buộc phải bán vé điện tử

Bán vé trên mạng sẽ tiết kiệm hơn nhiều các chi phí này, tiện lợi cho HK giá rẻ. Nhưng vé điện tử không chỉ dừng lại ở các hãng HK giá rẻ. Vừa qua, Hiệp hội HK quốc tế (IATA) đã ra nghị quyết yêu cầu các hãng HK trên toàn cầu sử dụng vé điện tử bắt đầu từ đầu năm 2008.

Điều đó, có nghĩa tất cả các hãng HK trên thế giới (trong đó có các hãng Việt Nam) đều phải sử dụng vé máy bay điện tử trong việc đặt chỗ, bán vé, làm thủ tục HK (check-in) cho hành khách.

Tại Việt Nam, sau các hãng giá rẻ như Tiger Airways (Singapore), Air Asia (Malaysia), Jetstar (Úc) bán vé điện tử, đến lượt các hãng HK truyền thống cũng bắt đầu triển khai bán loại vé này.

Từ ngày 26/3/2007, Korean Air (Hàn Quốc) đã thực hiện xuất vé điện tử trên toàn bộ các vé thay cho loại vé giấy thông thường.

Để khuyến khích loại vé điện tử, Korean Air còn phụ thu 30 USD/vé cho trường hợp xuất vé giấy thông thường thay cho vé điện tử. Từ ngày 1/6/2007, United Airlines (Mỹ) cũng triển khai vé điện tử cho hành khách.

Khách hàng sẽ không còn sử dụng vé giấy và có thể làm thủ tục tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trên các máy Easy check-in của hãng. Một vài hãng HK quốc tế khác hiện có các chuyến bay liên danh với Vietnam Airlines, do chờ đợi sự phối hợp đồng bộ trong khâu bán vé, kiểm soát hành khách nên chậm triển khai vé điện tử, tuy nhiên sắp tới các hãng này cũng sẽ đẩy mạnh bán vé điện tử, không chờ đợi nữa.

Đối với các hãng HK của Việt Nam, khi Pacific Airlines chính thức chuyển thành hãng giá rẻ (ngày 13/2/2007) thì hãng này cũng bắt đầu bán vé điện tử, còn vé giấy chính thức bị xóa sổ.

Hiện Vietnam Airlines vẫn đang tiếp tục bán vé giấy (dù đang thử nghiệm bán vé điện tử trong nội bộ), nhưng tương lai rất gần, khoảng quý 3/2007, Vietnam Airlines cũng sẽ chuyển sang bán vé điện tử, áp dụng cả với các đường bay trong nước

Hành khách vẫn có thể trả tiền mặt

Sự lúng túng của người dân khi tiếp cận với vé điện tử thấy rõ khi bắt đầu mua vé máy bay của các hãng HK giá rẻ. Đó là việc thanh toán đòi hỏi người đặt chỗ, mua vé phải có thẻ tín dụng khiến nhiều người bó tay vì tỷ lệ người Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng chưa nhiều.

Tình hình èo uột đến nỗi, thời gian đầu các hãng giá rẻ buộc phải có thêm hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Ngay cả với Pacific Airlines, mặc dù chỉ bán vé điện tử trên mạng internet, và thanh toán bằng các loại thẻ tín dụng như: Visa, VisaDebit, Master Card, JCB, American Express nhưng hãng vẫn đưa thêm giải pháp tạm thời là người mua có thể thanh toán bằng tiền mặt trong một thời gian ngắn nhất định, đồng thời phải trả thêm phí.

Trên thực tế hầu như chỉ có các hãng giá rẻ do bán vé trực tiếp trên mạng internet nên yêu cầu người mua phải có thẻ tín dụng, còn các hãng HK truyền thống, về cơ bản thao tác đặt mua vé điện tử không khác nhiều so với mua vé giấy.

Người dân vẫn có thể đặt vé trực tiếp tại các đại lý, hoặc qua điện thoại và có thể trả bằng tiền mặt bình thường như trước. Điểm khác biệt là người mua sẽ không nhận một tấm vé giấy 2-3 trang như thông thường mà chỉ là một tờ giấy có code vài chữ số.

Mặt khác khi mua vé giấy, nhân viên bán vé có khi không yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ tùy thân nhưng với vé điện tử thì khi đặt mua, hành khách buộc phải khai báo giấy tờ tùy thân (CMND hoặc hộ chiếu...)

Theo Trần Hùng (Thanh niên)
.
.
.