Về Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long: Quản lý và phát triển di sản không thể dựa trên thước đo là tiền
Tuy nhiên, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL lại cho biết, Bộ VH,TT&DL chưa nhận được bất cứ văn bản hay ý kiến của địa phương về việc này. Nhưng là một di sản đã được UNESCO hai lần công nhận, đồng thời là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới thì bất cứ một quyết định nào với vịnh Hạ Long cũng đều phải có sự cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng. Việc giao di sản cho một tổ chức, một nhóm cá nhân, hoặc doanh nghiệp là điều không nên. Bởi, mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận, trong khi việc quản lý và phát triển di sản lại không chỉ dựa trên thước đo đó.
Nhiều lần, BQL vịnh Hạ Long cho rằng “có nhà mà không được quyết định” khi quyền hạn của họ bị hạn chế, phải xin ý kiến, phối hợp với các đơn vị liên quan trong mọi vấn đề liên quan đến vịnh Hạ Long. Vì thế, có quan điểm cho rằng đó là nguyên nhân khiến di sản này chưa phát huy được sức mạnh. Song, ông Phan Đình Tân nhấn mạnh: Đây là di sản thế giới, là di tích được xếp hạng nên theo Luật Di sản thì mọi hành vi, quy định có tác động tới nơi này đều phải xin thỏa thuận ở các cơ quan liên quan, không thể trao toàn quyền cho BQL được. Thực tế, việc quản lý ở vịnh Hạ Long còn nhiều bất cập, do thiếu chuyên nghiệp, lúng túng và bị động trong khi giá trị của di sản thì vô cùng lớn. Nhưng nếu vì yếu kém mà thoái thác trách nhiệm của nhà quản lý, khoán trắng cho doanh nghiệp là không được. Thêm nữa, di sản vịnh Hạ Long không chỉ có giá trị về du lịch mà còn có giá trị về văn hóa, do đó mỗi tác động đến nơi đây cần phải thực hiện nghiêm cẩn và bài bản. Việc thử nghiệm nếu có thì chỉ nên bắt đầu ở một vài khâu chứ không thể khoán trắng toàn bộ được.
Về việc có nên đấu thầu việc quản lý và khai thác du lịch tại vịnh Hạ Long, ông Phan Đình Tân bày tỏ: Nhiều công ty, tập đoàn quản lý tốt hơn các đơn vị Nhà nước thiếu trách nhiệm. Nhưng vịnh Hạ Long là di sản, là biểu tượng của ngành Du lịch Việt Nam nên việc đấu thầu cần cân nhắc, không nên coi đó là một món hàng. Di sản không phải cứ có nhiều tiền là quản lý tốt. Trong thời điểm kinh tế khó khăn thì xã hội hóa được coi là cứu tinh nhưng không phải là cách để cơ quan quản lý Nhà nước rũ bỏ trách nhiệm. Thêm nữa, di sản thuộc quyền quản lý nhà nước thì chúng ta còn có cách bảo vệ, các cấp ngành có thể can thiệp chứ nếu giao cho tư nhân thì liệu có mất quyền kiểm soát?
Yêu cầu Bitexco hoàn chỉnh phương án, báo cáo trong tháng 8/2014 Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 25/7, UBND tỉnh Quảng Ninh chính thức lên tiếng về vấn đề này, khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng quản trị, khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long. Theo đó, BQL vịnh Hạ Long có 2 chức năng, nhiệm vụ chính: Quản lý nhà nước về di sản, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long; tổ chức, quản lý các hoạt động dịch vụ, khai thác, thu phí vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước, bảo tồn di sản ngày càng đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cao hơn. Đặc biệt trong những năm gần đây, vịnh Hạ Long phải thực hiện các khuyến nghị của UNESCO tại các kỳ họp 33, 35, 37, 38 gần đây. Vì thế, Quảng Ninh chủ trương tách chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác, thu phí vịnh Hạ Long ra khỏi BQL vịnh Hạ Long để BQL chuyên sâu, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với di sản. Còn đối với các chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác, thu phí được tỉnh chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu từ phí vịnh Hạ Long; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do vậy, tỉnh đã mời các cơ quan, đơn vị tham gia để quản trị công tác khai thác, dịch vụ, thu phí vịnh Hạ Long tốt hơn, hiệu quả hơn (đây không phải là dự án, do vậy không có giao quản lý đất, mặt nước). Bitexco là một đơn vị trình bày ý tưởng, Quảng Ninh mới xem xét ban đầu, chưa có quyết định giao, thời gian giao. Hiện nay, Quảng Ninh đang yêu cầu Bitexco hoàn chỉnh phương án, báo cáo trong tháng 8/2014 để xem xét, quyết định. |