Vàng rớt giá mạnh trước ngày Thần tài

Thứ Ba, 16/02/2016, 17:01
Trước ngày Vía Thần tài, giá vàng trong nước đã giảm mạnh theo giá thế giới, giao dịch tăng vọt.

Ảnh hưởng từ việc giá vàng thế giới giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi chạm mức cao nhất trong năm vào tuần trước do thị trường chứng khoán phục hồi và thị trường lớn như Trung Quốc quay trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, giá vàng trong nước ngày 16-2 đã áp sát mốc 33 triệu đồng/lượng. Theo đó, các thương hiệu đồng loạt giảm giá, ít nhất là 300 đồng/lượng so với phiên giao dịch liền trước. Có thời điểm, giá vàng SJC niêm yết ở mức 33,00-33,35 triệu đồng/lượng- giảm 700 nghìn đồng mỗi lượng.

Xếp hàng mua vàng lấy may đầu năm.

Giá vàng rẻ đi, cộng với quan niệm mua vàng đầu năm lấy may, lượng khách giao dịch tại các cửa hàng tăng vọt. Ông Trần Nhật Nam - Phó Giám đốc phụ trách vàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết ngay từ sáng 16-2 đã có một lượng lớn khách hàng tới mua vàng. Tỷ lệ giao dịch theo tính toán của công ty là 70% giao dịch là mua vào, 30% là bán ra, cao hơn hẳn so với ngày thường. Cũng theo ông Nam, đến thời điểm này, các doanh nghiệp kinh vàng đều đã có sự chuẩn bị cho ngày Thần Tài. Riêng tại Bảo Tín Minh Châu, nhận định mãi lực vàng trong chiều 16-2 và cả ngày 17-2 sẽ tăng mạnh nên công ty đã chuẩn bị đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân. Công ty kéo dài thời gian phục vụ khách hàng đến hết hàng, hết khách mới đóng cửa. Cùng với đó, công ty phục vụ nước uống, đồ ăn nhẹ, ghế ngồi phục vụ khách. Ngoài ra, công tác an ninh được đặc biệt chú trọng. Ngoài đội ngũ bảo vệ của công ty còn có công an phường, công an thành phố phối hợp từ vòng trong ra vòng ngoài để bảo vệ an toàn cho quý khách, tránh xô đẩy, chen lấn, móc túi làm thất thoát tài sản của quý khách.

Ghi nhận thực tế của PV Báo CAND, mặc dù hôm nay 17-2, mới là ngày Thần tài, nhưng do lo ngại người mua chen chúc quá đông, nên nhiều người đã tranh thủ mua sớm. “Mua vàng cầu may dịp đầu năm mới là một nét văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt. Mua vàng vừa để tích trữ tài sản vừa giàu ý nghĩa văn hóa tâm linh, cầu may đầu năm cho cả năm được no đủ sung túc. Đó là một hoạt động vừa ý nghĩa vừa thiết thực mang lại lợi ích cho người dân. Đây cũng là một hình thức tiết kiệm tránh lãng phí sau thời điểm ăn Tết của người Việt mà chúng ta nên duy trì để có của ăn, của để dành,  từ đó thúc đẩy tinh thần hăng say lao động sản xuất của mỗi người”- một chuyên gia nhận định. Nắm bắt được tâm lý này, nên năm nay, Doji dự kiến tung ra 80.000 sản phẩm vàng cho ngày Thần Tài. Năm ngoái, hơn 50.000 sản phẩm của doanh nghiệp này đã được tiêu thụ rất nhanh. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết sẽ tăng lượng cung bán ra ở cả thị trường phía Bắc và phía Nam. Riêng PNJ, đơn vị này cho biết sẽ tăng gấp đôi lượng cung phục vụ ngày Thần Tài lên 100.000 sản phẩm. Tương tự, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, lượng vàng chuẩn bị cho mùa Thần Tài cũng tăng 20% so với năm ngoái. Năm nay, các hàng vàng tiếp tục tung ra sản phẩm loại nhẫn tròn trơn loại nửa hoặc một chỉ, tượng Thần Tài một lượng, miếng vàng một chỉ, tượng hoặc miếng vàng của 12 con giáp, nhẫn Phúc Lộc Thọ…

Ngày vía Thần tài được xuất phát từ tích Thần Tài. Chuyện kể rằng dưới trần gian không có Thần Tài, chỉ có Thần Tài trên trời, vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian. Khi Thần tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mồng 10 tháng Giêng thì Thần Tài bay về trời, để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài để thờ cúng vật phẩm và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.

PV
.
.
.