Vẫn lúng túng trong xử lý chuyện lừa đảo chiếm dụng vốn

Thứ Sáu, 06/12/2013, 16:44
Nguyễn Thu Hồng (41 tuổi) trú ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai làm nghề thu mua cà phê, hồ tiêu từ nhiều năm qua, nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng mối quan hệ mua bán với Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Giám đốc DNTN Mỹ Lệ ở Chư Sê, Gia Lai, Nguyễn Thu Hồng đã lừa ứng tiền mua hạt tiêu của chị Lệ nhưng sau đó không giao hàng mà chiếm đoạt.

Để lừa dối chị Lệ, Nguyễn Thu Hồng đưa ra thông tin giả là bản thân mình có nhà vườn trồng tiêu ở Chư Prông, Gia Lai cần bán hàng chục tấn tiêu nên xin ứng tiền trước. Vì tin tưởng chỗ làm ăn thân quen nên chị Lệ không ngại đưa tiền cho Nguyễn Thu Hồng ứng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng sau đó Hồng “biến” luôn không giao hàng.

Với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Thu Hồng đã đặt vấn đề bán hạt tiêu với chị Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Thị Thu Hà ở Gia Lai, rồi ứng tiền chiếm đoạt hơn 770 triệu đồng. Ngoài hành vi lừa đảo, Nguyễn Thu Hồng còn lợi dụng các mối quan hệ làm ăn, quen biết đã đứng ra huy động vốn của nhiều người với lãi suất 6%/tháng rồi chiếm đoạt bỏ trốn.

Tại huyện Chư Sê, Gia Lai, Nguyễn Thu Hồng vay và chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Lệ Hoa 800 triệu đồng, Kiều Thị Hằng 138 triệu đồng, Phạm Thị Hà Nhi 250 triệu đồng… Tổng số tiền Nguyễn Thu Hồng đã lừa đảo và lạm dụng chiếm đoạt của các cá nhân mà cơ quan Công an xác định được trên 3,65 tỷ đồng, nhưng tài sản của Nguyễn Thu Hồng thu được tạm giữ chưa đến 10% giá trị tiền đối tượng đã chiếm đoạt.

Một vụ án khác đã nhiều lần Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa ra xét xử nhưng chưa thành, đó là vụ Lê Thị Tường Vân ở TP Pleiku, Gia Lai, vay tiền của nhiều cá nhân nhưng không trả.

Theo hồ sơ, lợi dụng mối quan hệ làm ăn, Tường Vân đã nảy sinh ý định vay tiền với số lượng lớn để chiếm đoạt. Từ ngày 2/11/2009 đến 4/11/2009, bằng thủ đoạn gian dối trong việc đặt vấn đề cần huy động vốn để nhập lô hàng xe ôtô về cho Công ty Tuấn Tài (do chồng Vân làm giám đốc) bán Tết nên Tường Vân nhiều lần vay tổng cộng hơn 15,25 tỷ đồng của một số cá nhân. Đến hạn, Tường Vân chỉ trả cho chị Phượng Tường 370 triệu đồng, Xuân Dung 300 triệu đồng, Thúy Vân 300 triệu đồng, còn lại 14,28 tỷ đồng Tường Vân không trả mà cho rằng bị Nguyễn Thị Thùy Dương (trú 102/6 Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku) chiếm đoạt mất khả năng thanh toán... Sau khá nhiều phiên tòa diễn ra nhưng đến nay vụ án trên vẫn đang trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bị cáo Tường Vân nhiều lần ra tòa nhưng chưa xử được.

Tình trạng vay nợ, mua bán dẫn đến chiếm dụng vốn ngày càng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây mà các cơ quan chức năng “khó” xử lý, gây bức xúc dư luận. Theo quy định, việc vay và cho vay tiền giữa các cá nhân là quan hệ dân sự, được pháp luật cho phép. Quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được xác lập trên cơ sở nội dung thỏa thuận giữa các bên, cũng như quy định trong Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ được điều chỉnh theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp một người có các hành vi gian dối (đưa ra các thông tin không đúng sự thật, giấy tờ giả mạo…) khiến người khác tin tưởng đó là sự thật để cho người này vay tiền, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền vay có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi đó cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nếu quan hệ vay nợ, mua bán ban đầu là ngay thẳng (không có thủ đoạn gian dối và không có ý thức chiếm đoạt tiền vay), nhưng sau khi nhận được tiền, bên vay đã sử dụng thủ đoạn gian dối, hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay; hoặc sử dụng tiền vay (nợ) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì hành vi của bên vay (nợ) cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Thế nhưng, theo các cơ quan tố tụng, thực tiễn để chứng minh tội phạm không đơn giản do một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa rõ ràng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án trong lĩnh vực chiếm dụng vốn bị xử lý kéo dài…

N.Như
.
.
.