Cho phép tăng giá xăng dầu lần thứ 2 trong tháng 6:

Vẫn kiểu không giảm nguồn thu và tính thuế chồng thuế, phí

Thứ Hai, 01/07/2013, 09:03
Thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng không đáng kể, thì ngược lại giá bán lẻ trong nước đã được phép điều chỉnh tăng 2 lần chỉ trong tháng 6.
>> Giá xăng tăng gần 400 đồng/lít

Theo lý giải của Bộ Tài chính, cơ sở để tăng giá xăng dầu lần thứ 2 trong tháng là do giá thế giới tăng giảm thất thường khiến giá cơ sở bình quân 30 ngày, từ ngày 29/5 đến 27/6 vẫn ở mức cao. Nhưng thực tế, giá xăng A92 cũng chỉ có 114,5 USD/thùng; dầu diesel là 118,84 USD/thùng và dầu hỏa là 116,49 USD/thùng. Đợt tăng giá thứ 2 trong tháng 6 này mặc dù mặt hàng xăng vẫn được sử dụng quỹ bình ổn giá là 300 đồng/lít; dầu diesel được bình ổn 200 đồng/lít; dầu hỏa được bình ổn ở mức 200 đồng/lít…

Nhưng giá xăng vẫn có mức tăng là 360 đồng/lít; dầu DO 370 đồng/lít và dầu hỏa là 300 đồng/lít. Trước đó, giải thích về nguyên nhân cho phép tăng giá xăng thêm 420 đồng/lít, dầu diesel 220 đồng/lít vào ngày 14/6, Bộ Tài chính cũng đã dựa vào mức giá bình quân 30 ngày, từ ngày 15/5 đến 13/6. Cách tính “giá chồng giá, thời điểm chồng thời điểm” này của Bộ Tài chính đã không được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình bằng câu hỏi: Đã lấy mốc thời điểm giá xăng dầu từ tháng 5 đến giữa tháng 6 để điều chỉnh tăng giá xăng dầu lần trước, thì lần này chỉ có thể lấy giá từ giữa tháng 6 trở đi chứ sao lại quay lại lấy mốc giá từ cuối tháng 5? Hơn thế, thời gian tiêu thụ với một lô xăng dầu nhập khẩu về bán lẻ cũng chỉ ở mức hơn 10 ngày, thì việc  kéo giá từ trước đó cả tháng vào áp dụng để tính giá cơ sở cho những lô mới nhập về sau này là không hợp lý.

Mua một lít xăng, người tiêu dùng phải gánh 8,4 ngàn đồng thuế, phí.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh lo lắng cho biết, hễ cứ giá dầu tăng 5% là các DN vận tải phải xem xét, điều chỉnh giá cước. Nhưng giá cả xăng dầu cứ tăng liên tục dễ tạo ra làn sóng tăng giá cả hàng hóa dịch vụ khác, tạo mặt bằng giá thành mới trong xã hội. Một đại diện giới vận tải khách bằng taxi tại thành phố cũng quả quyết: Lần tăng giá xăng trước có những hãng taxi chỉ vừa kịp điều chỉnh xong đồng hồ tính cước. Nay lại phải nghỉ chạy để đem xe đi điều chỉnh đồng hồ tiếp, đây quả là gây khó, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo công bố của của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, mua một lít xăng, người tiêu dùng đang phải gánh tới 8,4 ngàn đồng tiền thuế, phí các loại như: Thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường và chi phí kinh doanh xăng dầu. Tương tự, người tiêu dùng cũng phải trả các loại thuế, phí là 5,4 ngàn đồng/lít đối với dầu DO; dầu hỏa là 5,5 ngàn đồng/lít và dầu FO 4,5 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, người tiêu dùng còn phải trả thêm cho các DN đầu mối xăng dầu khoản lợi nhuận định mức cố định là 300 đồng/lít kèm theo khoản chi hoa hồng đại lý lên tới vài trăm đồng/lít. Như vậy, dù liên tục than lỗ theo cách tính giá bán lẻ cơ sở, song thực tế các DN đầu mối xăng dầu đều chắc chắn đã có lãi vài trăm đồng/lít từ khoản lợi nhuận định mức. Thậm chí, với những đầu mối nhập tận gốc, bán tận ngọn như Petrolimex, khoản lợi nhuận sẽ còn cao hơn nhiều nếu cộng cả số tiền vài trăm đồng/lít chi phí hoa hồng cho đại lý.

Chưa khắc phục được cách tính giá cơ sở bất hợp lý, nhưng từ 3 phương án điều chỉnh giá xăng dầu đưa ra trong tháng 5 vừa qua, Bộ Công thương đã chọn ra một phương án để trình Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp xăng dầu sẽ được quyền tăng giá bán lẻ trong phạm vi 5%. Đồng thời, Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu dù đã được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đến lần thứ 4 cũng vẫn chưa tháo gỡ được những vướng mắc lâu nay. Bởi việc giữ lại nguyên tắc tính giá xăng dầu cũ đã khiến tình trạng thuế chồng thuế, phí không được khắc phục.

Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng dầu hiện vẫn được tính trên giá xăng dầu nhập về cộng với phí bảo hiểm và chi phí vận chuyển. Sau khi cộng thêm khoản thuế nhập khẩu vào giá thành, giá xăng dầu nhập về mới được đem ra áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Khoản thuế VAT 10% sau đó tiếp tục được tính trên tổng mức giá đã gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức, chi phí định mức… Như vậy, dù đã thu tới vài ngàn đồng trên mỗi lít, kg xăng dầu, nhưng Bộ Tài chính vẫn nhất quyết không chịu giảm thuế để khỏi tăng giá xăng dầu. Việc này chắc chắn sẽ tác động không ít tới mặt bằng giá cả dịch vụ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Song cách tính thuế chồng thuế, phí trên còn thể hiện việc tận thu triệt để đối với mặt hàng chiến lược này

Đ.Thắng
.
.
.