Vẫn còn nhiều vướng mắc trong định giá lưới điện hạ áp nông thôn

Thứ Hai, 27/09/2010, 10:16
Chỉ còn 3 tháng nữa là đến hạn cuối (31/12) mà UBND TP Hà Nội đưa ra cho việc hoàn thành định giá lưới điện hạ áp nông thôn,  tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt những khó khăn chưa có phương án giải quyết. Hợp tác xã (HTX) muốn đòi cao, điện lực lại muốn trả thấp, trong khi Hội đồng định giá đứng ra làm trọng tài lại chưa có đủ chuyên môn và uy tín để thuyết phục 2 bên, khiến cho thời hạn đã cận kề, mà vẫn còn đến 98% lượng công việc chưa được giải quyết.

Hơn 80% thời gian mới hoàn thành được 2% công việc

Đến thời điểm này, có thể kết luận việc xác định và phê duyệt giá trị tài sản lưới điện hạ áp tại vùng nông thôn Hà Nội đang được triển khai với tốc độ "rùa bò". Trong hơn 7 tháng, kể từ thời điểm Thông tư liên tịch số 06 của Liên Bộ Công thương - Tài chính hướng dẫn việc định giá lưới điện hạ áp để hoàn trả, mới chỉ có 6 xã trong 236 xã cần định giá hoàn thành công việc, chiếm tỷ lệ có 2%. Với đến 98% lượng công việc còn lại, trong khi thời gian còn vỏn vẹn 3 tháng, thì việc hoàn thành định giá đúng tiến độ của UBND TP và Sở Công thương đang gần như vô vọng.

Tháng 8/2010, khi kiểm tra tình hình thực hiện công tác bàn giao lưới điện nông thôn và định giá, phê duyệt giá trị tài sản còn lại của lưới điện hạ áp chuyển giao để Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hoàn trả theo qui định, đoàn liên ngành (bao gồm Sở Công thương, Sở Tài chính và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội) đã nhận thấy việc định giá được triển khai không đúng theo tinh thần hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Điện lực Hà Nội cho biết: "Có 2 vấn đề chưa thống nhất được, là giá trị của tài sản bàn giao, và tài sản như thế nào thì được bàn giao. Tất cả tài sản các HTX đầu tư trước đây đều không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thiếu an toàn, chúng tôi đều không muốn nhận, bởi hầu như sẽ phải thay thế hoàn toàn. Trong khi đó ngay cả cột tre, các loại dây không phải để dẫn điện, các HTX cũng muốn tính hết. Rồi tài sản còn lại giá trị như thế nào cũng không thống nhất được. Hội đồng định giá thì tính theo công thức thời giá hiện hành, trừ khấu hao thì ra tài sản còn lại. Nhưng các HTX lại không đồng ý với cách tính đó".

Việc bàn giao lưới điện nông thôn liên tục bị chậm tiến độ.

Đơn cử, hội đồng định giá phải dựa trên bảng giá được phê duyệt theo quy định của Nhà nước. Trong khi đó, các HTX thường tự thuê nhà thầu bên ngoài, với mức giá cao hơn. Chỉ riêng chuyện này cũng khiến quan điểm của 2 bên không gặp được nhau.

Theo Sở Công thương Hà Nội, cho đến tận giữa tháng 7, hơn 1 năm sau khi có hướng dẫn, mới chỉ có 1 xã có Quyết định phê duyệt giá trị lưới điện bàn giao (trị giá 94,863 triệu đồng) là xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. Nguyên nhân chậm trễ được xác định "do công tác thẩm định, phê duyệt của UBND các huyện, thị xã và quận chậm".

Ngày 22/9 vừa qua, Liên minh HTX Hà Nội, Sở Công thương và Điện lực Hà Nội cũng đã có một cuộc họp để giải quyết khúc mắc. Tuy nhiên, kết quả của cuộc họp này là "các bên vẫn còn phải ngồi bàn với nhau nhiều".

Cần "trọng tài" đủ năng lực

"Có trường hợp trách nhiệm thuộc về hội đồng định giá của các quận huyện, họ còn chưa hoạt động tích cực. Cũng có trường hợp thuộc về chủ đầu tư của các dự án, họ chưa hợp tác, và gần như không bao giờ có những giấy tờ chứng minh đã đầu tư bao nhiêu" - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Trong khi đó văn bản hướng dẫn và Hội đồng định giá lại chưa đủ "mạnh" để đứng ra làm trọng tài.

Từ thời điểm tháng 6/2009 khi Sở Tài chính ra Văn bản hướng dẫn số 2510 đến nay, liên tục có thêm 4 văn bản hướng dẫn nữa ra đời, nhưng vướng vẫn hoàn vướng. Thêm vào đó là năng lực hạn chế của Hội đồng định giá. Việc định giá được giao cho UBND cấp huyện, vốn rất thiếu cán bộ có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định...

Chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn cho Điện lực quản lý là nhằm thực hiện công bằng cho người dân, giúp họ được mua điện với giá bậc thang, được sử dụng điện với chất lượng tốt. Thực tế cũng đã chứng minh, từ khi nhận bàn giao, Điện lực Hà Nội đã thay thế bước đầu được 60% những cột điện tre, dây trần, hộp công tơ chắp vá đủ loại bằng bi đông nhựa, thùng sắt tự chế… có nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng; xây mới một số trạm biến áp và người dân được mua điện với giá bậc thang theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, với chủ trương xã hội hóa của Chính phủ, việc đưa điện về các vùng nông thôn cũng có phần đóng góp lớn của các HTX điện.

Ông Đàm Tiến Thắng - Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương Hà Nội) cho rằng: Mặc dù trong quá trình hoạt động, các HTX điện có nhiều sai phạm, và chủ trương bàn giao là hợp lý. Nhưng cũng cần có tiếng nói công bằng cho họ, đặc biệt là trong việc hoàn trả tài sản mà họ đã đầu tư.

Được biết, Phó Giám đốc Sở Công thương Phạm Trung Sơn đã thống nhất với các bên, sau Đại lễ 10-10 sẽ cùng ngồi lại để giải quyết cụ thể từng khúc mắc một, với hy vọng đến ngày 31/12 sẽ kịp tiến độ định giá tài sản cho hơn 200 xã còn lại

Vũ Hân
.
.
.