Vận chuyển gỗ lậu ồ ạt tại hồ thủy điện Sông Bung 4
Qua tìm hiểu được biết, để tận dụng gỗ trong lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 trước khi ngăn dòng tích nước vào đầu tháng 8/2014, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đồng ý cho phép Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Xuân Chí được tận thu gỗ trên diện tích 65ha chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tại xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang.
Gỗ lậu trên mặt nước lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. |
Theo đó, trong hơn 1.889m³ gỗ tận dụng, có hơn 1.184m³ gỗ lớn. Giấy phép tận thu gỗ kết thúc ngày 20/11/2014. Tuy nhiên, khi Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh lập biên bản kiểm tra khai thác gỗ vào ngày 21/11/2014, doanh nghiệp này mới tận thu hơn 500m³ gỗ.
Như vậy, ít nhất còn hơn 600m³ gỗ lớn đã ngập dưới lòng hồ chưa tận thu, chưa kể hàng trăm mét khối gỗ cành, ngọn và lượng gỗ khai quang. Ông Nguyễn Trí, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho rằng, trước khi thủy điện đóng nước vào ngày 1/8/2014, địa phương vừa làm, vừa chạy thủ tục tận thu gỗ. Sở dĩ xử lý chậm vì giữa hồ sơ và thực tế ngập nước có sai lệch, khó xác định con đường nằm ngoài hay trong vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Ranh giới trước đây đo đạc có diện tích hơn 7.000m² giờ đã bị ngập, chỉ còn nhô lên khoảng 1.800m²...
Thực tế hiện nay dưới lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, khó phân biệt đâu là gỗ tận thu và đâu là gỗ lậu. Thời điểm hiện tại, giấy phép tận thu đã hết, nhưng ít nhất có 50m³ gỗ tròn có dấu đỏ nằm rải rác, chưa di chuyển ra ngoài. Dưới lòng hồ thì hàng chục phương tiện lợi dụng chở củi lén lút chở gỗ lậu. Đi sâu vào rừng, vô số lán trại dựng lên. Hàng chục cây gỗ lớn nằm trong lưu vực lẫn ngoài lòng hồ thủy điện đã bị đốn hạ...
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, điểm mà chúng tôi tiếp cận đầu tiên là khe Vinh thuộc xã Tà Pơơ, Nam Giang. Tại đây có trạm chắn barie đặt sát lòng hồ thủy điện, cùng với đó là sự canh gác của 9 cán bộ Kiểm lâm. Phía dưới lòng hồ này, theo quan sát của chúng tôi có nhiều ghe thuyền lớn, nhỏ neo đậu.
Lúc bây giờ trời đã chập choạng tối, các ghe thuyền này nhổ neo vận chuyển củi, gỗ mà họ tận thu. Trong đoàn ghe thuyền này có một chiếc thuyền máy lớn vừa tham gia chở củi vừa trục vớt từng lát, khúc gỗ nổi trên mặt nước. Còn trên bờ, gỗ với đường kính lớn hơn 0,5m đánh dấu đỏ nằm ngổn ngang, cách điểm Trạm Kiểm lâm khe Vinh chưa đến 100m. Một hình thức vận chuyển gỗ lậu tinh vi dễ dàng qua mắt các trạm kiểm soát lâm sản đặt sát lòng hồ.
Đi một vòng trên lòng hồ thủy điện này, chúng tôi quan sát có đến hơn 30 phương tiện thuyền máy hoạt động. Khó mà xác định ai chở gỗ lậu, ai chở củi. Lực lượng Kiểm lâm nơi đây cũng thừa nhận: Mỗi lần ra quân truy quét đều phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu.
Cụ thể như cuối tháng 12/2014, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh phát hiện Tơ Ngool Chông (SN 1992, ở xã Tà Bhing), điều khiển xe ôtô mang biển số 92K-9880 vận chuyển trái phép hơn 3,6m³ gỗ quý và ông Huỳnh Ngọc Hoàng (SN 1981, ở xã Đại Đồng, Đại Lộc) dùng phà số hiệu ĐL 0438 vận chuyển hơn 2,2m³ gỗ lim. Kiểm lâm còn phát hiện ở xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, một đối tượng dùng trâu để kéo gỗ lậu...