Xuất khẩu rau quả: Vẫn chưa tìm được thị trường ổn định
Trái với sự sụt giảm của nhiều mặt hàng nông sản khác, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã tăng 21%... Liên tục trong 5 năm qua, tăng trưởng đều ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, có tăng trưởng không có nghĩa là không có khó khăn ở mặt hàng này. Rau quả Việt Nam được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu.
Là thị trường tiêu thụ nhiều nhất với tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, riêng xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2014 là hơn 435,7 triệu USD, gấp gần 6 lần so với thị trường thứ 2 là Nhật Bản (75 triệu USD). 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang Trung Quốc tăng rất mạnh 44,7%, đạt 131 triệu USD, trong số này, thanh long chiếm 58,8%. Nhu cầu tiêu thụ thanh long tăng cao tại Trung Quốc và giá xuất khẩu tăng đã góp phần đẩy kim ngạch lên cao. Tuy nhiên, hoạt động xuất chủ yếu được thực hiện qua con đường tiểu ngạch, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới của địa phương với các hình thức buôn bán không ổn định nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường.
Thêm vào đó, gần đây Trung Quốc lại thắt chặt kiểm tra chất lượng và chặt chẽ hơn việc trao đổi thương mại qua biên giới. Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc là một yếu tố bất ổn định đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Dù đã mở ra được những thị trường mới, nhưng mùa này, vải thiều vẫn sẽ chủ yếu xuất sang Trung Quốc. |
Theo ông Vũ Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT), hiện nay có 2 hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất đối với rau quả Việt Nam, là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nếu chúng ta đáp ứng được những yêu cầu này sẽ khai thác được rất lớn tiềm năng xuất khẩu trái cây, rau quả vì ta có thế mạnh về chất lượng, mùa vụ, giá thành sản xuất nhiều nước không sánh được.
Thị trường rau quả thế giới trị giá 1.000 tỷ USD, ta mới đóng góp 1,5 tỷ USD. Các nước có trái cây nhiệt đới không nhiều, trong khi xu hướng sử dụng trái cây, rau đang tăng và tiêu thụ thịt, tinh bột... trên đầu người lại giảm. Có ưu thế về mùa vụ, nhưng Việt Nam lại gặp khó khăn về dịch bệnh, nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, rất dễ không đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch.
Hiện thị trường thế giới chia làm 2 nhóm, những nước “dễ tính” hơn như Trung Quốc và khoảng 50 nước khác, không có yêu cầu quá khắt khe về kiểm dịch, nhưng giá trị thấp. Nhóm thứ 2 là có yêu cầu kiểm dịch thực vật rất khắt khe nhưng lợi nhuận rất cao, Việt Nam cũng đang dần mở được một số thị trường.
“Một quả thanh long bán ở Mỹ giá trị gấp 10 lần bán ở Trung Quốc. Hiện Bộ NN& PTNT cũng đang hoàn tất chiếu xạ trong tháng 5 để tháng 6 có những lô vải đầu tiên xuất khẩu sang Úc, Mỹ. Hiện Nhật đang muốn xuất khẩu táo sang Việt Nam, dự kiến tháng 8 hai bên sẽ có cuộc họp để thống nhất, Việt Nam sẽ mở cửa cho táo và Nhật sẽ mở cửa cho thanh long và xoài...”.
Tuy không phải không có những tín hiệu mừng từ các thị trường khó tính, nhưng một phần lớn thời lượng hội nghị vẫn được dành để bàn về vấn đề Trung Quốc – thị trường mà hễ “hắt hơi sổ mũi”, nông dân Việt Nam cũng liêu xiêu theo. Trung Quốc nhập gần 70% lượng thanh long Việt Nam với phương thức vẫn gọi nôm na là tiểu ngạch, thiếu ổn định cả về lượng và giá. Hơn nữa, nước này gần đây cũng tỏ ra “khó tính” khi đã cảnh báo về thuốc bảo vệ thực vật, rệp sáp trên quả thanh long.
Ông Lê Văn Ánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả cho biết: “Nếu nhìn lại đề án phát triển rau quả mục tiêu đến 2020 của 10 năm trước, đến nay chúng ta đạt được về mục tiêu kim ngạch, với 1,5 tỷ USD; nhưng cơ cấu thì không. Ta viết trong đề án sản phẩm là dứa, hạt tiêu, thị trường là Nga, Đông Âu; thực chất bây giờ sản phẩm là thanh long, thị trường là Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực mở rộng thị trường của các Bộ, nhưng với kinh nghiệm cá nhân thì chưa thể có kết quả ngay.
Mở cửa thị trường mới là lý thuyết, người tiêu dùng đã biết quả vải của ta là cái gì đâu, nữa là khả năng vận chuyển. Vietnam Airlines cho biết sẽ giảm 2,3 – 2,5 USD/kg cho DN xuất vải đi châu Âu, vui đấy, nhưng cũng không hoàn toàn. Mỗi chuyến chúng ta đi được 10 tấn, cả tháng vận chuyển cũng chỉ được 600 tấn, mà tổng sản lượng vải của 2 huyện ở Bắc Giang đã là 150.000 tấn rồi. Vì vậy, vải thiều vẫn sẽ xuất khẩu mạnh ở Lào Cai và vẫn cứ bán nhiều sang Trung Quốc.
Có thể những năm trước mắt, song song với việc tích cực mở rộng thị trường, phải nói thật, Trung Quốc vẫn phải là thị trường ta cố gắng nắm giữ, đẩy mạnh. Ta biết trước diễn biến này, có thể có giải pháp mở thêm điểm thông quan, tăng lượng thời gian thông quan để hàng đi nhiều hơn không? Mỗi ngày tăng thêm được 20 xe chẳng hạn, đã bằng Vietnam Airlines vận chuyển cả tháng rồi”.
Nghiên cứu thị trường Trung Quốc bài bản hơn cũng là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bởi trong suốt nhiều năm, ta tiêu thụ hàng hoá vào thị trường này rất nhiều, nhưng chưa bao giờ dám nói là bền vững. “Thông tin về thị trường này rất thiếu. Đề nghị phải có đánh giá thị trường này thật sâu, thật kỹ, họ tiêu thụ gì là chính, có bền vững không, chứ cứ Trung Quốc mua nhiều lại ào lên trồng, không mua lại phá đi thì nông dân còn khổ”.