VN - nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2010

Thứ Bảy, 02/06/2007, 16:05
Với những gì đang diễn ra, tôi tin rằng tới năm 2010 Việt Nam sẽ trở thành nước có mức thu nhập trung bình... có thể vượt qua mức thu nhập cuả Thái Lan và Indonesia vào năm 2020.

Trao đổi với báo chí Việt Nam, ông James Adams, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), vừa đưa ra những dự báo lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

- Viện nghiên cứu LG (Hàn Quốc) dự báo, năm 2020 kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, Indonesia. Ông nghĩ gì về điều này?

- Rất khó để đưa ra dự báo chính xác cho các giai đoạn phát triển của nền kinh tế một quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh trong những năm qua và tôi tin tưởng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Với những gì đang diễn ra, tôi tin rằng tới năm 2010 Việt Nam sẽ trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

WB cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thập kỷ phát triển tới, để giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu không chỉ trở thành nước có thu nhập trung bình mà còn trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Theo tôi, điều quan trọng hơn với Việt Nam là tập trung vào việc giảm tỷ lệ người nghèo, tăng mức thu nhập trung bình của người dân. Khi xây dựng chiến lược kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng nên tận dụng kinh nghiệm quý báu của các nước trong khu vực.

- Vậy khi trở thành “nước trung bình”, thách thức lớn nhất là gì?

- Tôi nghĩ thách thức lớn trong phát triển của Việt Nam đó là sự gia tăng bất bình đẳng. Ngày nay Việt Nam đã phát triển tốt hơn nhiều nước trong khu vực, thoát khỏi mốc xuất phát điểm thấp.

Chúng tôi nhìn thấy những thách thức về bất bình đẳng trong phát triển ở Việt Nam nhưng ở mức thấp hơn nhiều nếu so với Trung Quốc. Nhưng, tôi cũng muốn nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều việc giải quyết sự bất bình đẳng trong phát triển.

Thực tế, đây là vấn đề các nước có thu nhập trung bình thường phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế. Giáo dục có vai trò quan trọng. Chúng tôi có dịp thảo luận với các chính phủ về những nỗ lực phổ cập giáo dục cho những người dân tộc thiểu số để đảm bảo cho họ không bị bỏ lại trong quá trình phát triển, một vấn đề tương tự ngày càng quan trọng đối với Việt Nam.

- Ông nghĩ gì về nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ  Việt Nam?

- Tôi nghĩ Chính phủ đang thể hiện ý chí, thái độ nghiêm túc đối với việc xây dựng một hệ thống pháp lý, cải cách pháp quyền, thiết lập nền công quyền…vững mạnh, cam kết tiến về phía trước. Vụ PMU 18 là một ví dụ điển hình cho nỗ lực đó của Chính phủ.  

- Có hai vấn đề được các nhà tài trợ nhắc đến nhiều là việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng và tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Ông nghĩ sao về hai vấn đề này?

- Về nguồn nhân lực chất lượng, Việt Nam cần cải thiện hệ thống giáo dục để đạt được trình độ giáo dục của thế giới. Chỉ có như vậy mới đảm bảo về nguồn cung nhân lực có chất lượng đảm bảo theo yêu cầu đặt ra.

Về việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam cần tập trung không chỉ vào tốc độ mà phải chú trọng cả chất lượng cổ phần hóa. Nhưng không nên quá coi trọng tốc độ.

Bởi nếu coi tốc độ là mục đích thì sẽ chỉ tạo ra những lời bao biện cho các sai sót. Để cổ phần hoá hiệu quả có rất nhiều việc phải làm ví dụ như phải lựa chọn được đối tác thích hợp, đảm bảo tạo ra những lợi ích thiết thực cho các bên.

- Chính sách hợp tác của WB với Việt Nam liệu có thay đổi dưới thời tân giám đốc?

- Chúng tôi hy vọng sẽ có công bố chính thức về tân Giám đốc WB tại Việt Nam vào tuần sau. Tôi tin chắc WB vẫn duy trì chính sách hợp tác với Việt Nam. Ông Robert Zoelick - Giám đốc WB mới được Tổng thống George Bush bổ nhiệm là người quen thuộc với Việt Nam.

Ông đã làm việc với Việt Nam về đàm phán song phương gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Chúng ta sẽ sớm biết ai là Giám đốc của WB tại Việt Nam thôi.

Tôi nghĩ người được bổ nhiệm làm việc tại Việt Nam sẽ tập trung vào vấn đề thương mại toàn cầu, sự quan tâm không chỉ riêng của WB, mà chính Việt Nam cũng đang trải nghiệm những lợi ích trong việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu đó

Theo Linh Vũ (Tiền phong)
.
.
.