Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cho vay hộ mới thoát nghèo:

Ưu đãi vốn vay để giảm nghèo bền vững

Chủ Nhật, 14/09/2014, 09:27
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Theo dự thảo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH trong vòng 3 năm kể từ ngày xác định thoát nghèo và ra khỏi danh sách hộ nghèo để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững; hộ có thu nhập bình quân trên thu nhập bình quân của hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ. Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) về vấn đề này.

PV: Thưa ông, hiện có rất nhiều hộ nghèo cần vốn, vì sao chúng ta cần ưu đãi cả những đối tượng đã thoát nghèo?

Ông Nguyễn Văn Lý: Theo tôi, việc Chính phủ cho xây dựng dự thảo Quyết định cho vay đối với hộ mới thoát nghèo xuất phát từ yêu cầu và thực tế đặt ra nhiều năm thực hiện chương trình giảm nghèo, đặc biệt là thông qua giải pháp tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Khi thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đã xuất hiện khoảng trống là hộ mới thoát nghèo sẽ vay vốn ở đâu? Bởi hiện nay, hộ mới thoát nghèo không được vay ưu đãi của NHCSXH, nhưng hộ đó lại không có khả năng và rất khó khăn trong tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Điều này ít nhiều đã làm giảm đi tác động của chính sách giảm nghèo, khiến cho chương trình giảm nghèo thiếu bền vững, nhiều hộ tái nghèo trở lại.

Chính vì “khoảng trống” nêu trên nên các địa phương, nhân dân, đoàn thể, cấp ủy chính quyền, các ngành chức năng, NHCSXH đã có phản ánh và Chính phủ cũng nắm được thực trạng này. Đây có thể được xem như hoàn cảnh ra đời của dự thảo Quyết định cho vay đối với hộ mới thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

PV: Cũng hướng tới việc giảm nghèo bền vững, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15 về cho vay hộ cận nghèo. Đến nay, chương trình đang được thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý: Với chương trình này, Chính phủ đã giải quyết được một bước là hộ cận nghèo được vay vốn tại NHCSXH bởi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo có khoảng cách rất mong manh. Các đối tượng hộ cận nghèo hồ hởi đón nhận chương trình này. Tính đến nay, NHCSXH đã cho vay hơn 700 nghìn hộ cận nghèo với tổng dư nợ khoảng 14.000 tỷ đồng. Bước đầu có thể khẳng định, đây là giải pháp tích cực để các kết quả giảm nghèo sẽ bền vững.

PV: Vậy tiêu chí hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo liệu có sự trùng lặp không?

Ông Nguyễn Văn Lý: Tôi cho rằng tiêu chí cho vay hộ mới thoát nghèo rất rõ ràng, rành mạch. Về mặt định tính thì những hộ này đã từng ở diện nghèo và mới thoát nghèo. Về định lượng thì đối tượng hộ mới thoát nghèo như theo dự thảo Quyết định là hộ có thu nhập chưa vượt ngưỡng bằng 130% thu nhập của hộ nghèo. Qua đây, chúng tôi cũng nghiên cứu đề xuất Chính phủ có thể cho vay thêm hộ ở cận nghèo, nay đã thoát khỏi hộ cận nghèo cũng được tiếp tục thụ hưởng tín dụng ưu đãi. Làm như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo bình đẳng và đảm bảo giảm nghèo bền vững.

PV: Theo ông, có nên đưa ra mức “trần” quy định không, khi có những hộ thoát nghèo là đã thành giàu rồi?

Ông Nguyễn Văn Lý: Thực ra mức “trần” quy định chính là mức vay vốn. Như theo dự thảo Quyết định thì mức cho vay tối đa không vượt mức cho vay hộ nghèo, tức không quá 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, đối tượng mới thoát nghèo được vay vốn hay không cũng được bình bầu qua tổ nhóm, sự bình xét của tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương. Với cách quản lý như thế này sẽ giảm bớt cho xã hội phải có thêm các tiêu chí khác, phức tạp hơn. Ở chừng mực nào đó, những hộ mới thoát nghèo, trở thành hộ khá, hộ giàu thì mức vay như trên thì họ không hướng tới.

Đặc biệt, để tránh việc lợi dụng chính sách, chúng tôi đề xuất lãi suất cho vay đối tượng này sắp tới là tiếp cận lãi suất thị trường. Với cách làm như thế, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu vừa thực hiện xã hội hóa cho vay ưu đãi, đồng thời bỏ những tiêu chí rườm rà mà khi bình xét còn gây khó khăn trong xã hội.

Nhiều hộ nghèo mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về lãi suất cho vay và mức cho vay của hộ mới thoát nghèo?

Ông Nguyễn Văn Lý: Theo dự thảo Quyết định cho vay hộ mới thoát nghèo mà NHNN xây dựng, chúng tôi cho rằng, mức cho vay hộ nghèo và cận nghèo không quá 50 triệu đồng, lãi suất cho vay hộ nghèo hiện là 0,6%/tháng, lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo bằng 130% lãi suất hộ nghèo, bằng với mức lãi suất hộ cận nghèo là đã tiếp cận lãi suất thị trường. Sự ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo là được sự phục vụ của NHCSXH và được hưởng sự tài trợ của toàn thể xã hội, đặc biệt là tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân để cùng nương tựa nhau, hỗ trợ nhau, tiếp tục vươn lên để thoát nghèo bền vững.

PV: Vậy, nguồn lực của NHCSXH được chuẩn bị thế nào khi Quyết định cho vay hộ mới thoát nghèo chính thức được ban hành, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý: Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 đã được Chính phủ thông qua và NHCSXH cũng đã chuẩn bị cho sự phát triển trong dài hạn. Hiện nay, NHCSXH có tổng nguồn vốn trên 135.000 tỷ đồng, hàng năm bình quân tăng trưởng tín dụng 8 - 10%, dự kiến năm 2015 cũng khoảng 8%. Đặc biệt, chúng tôi cũng thu nợ chương trình này chuyển sang làm nguồn cho vay chương trình khác, theo hướng quay vòng vốn, dịch chuyển theo các chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, đối tượng nghèo, vùng khó khăn bao giờ cũng được ưu tiên bố trí nguồn cho vay vốn trước, sau đó đến các đối tượng khác. Khi Quyết định cho vay hộ cận nghèo ban hành từ giữa năm 2013 cũng đã được bố trí nguồn vốn theo phương án như vậy. Đặc biệt, đến tháng 9/2014, nguồn vốn mới để cho vay thêm có khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng chúng tôi thu nợ để quay vòng vốn thì sẽ là khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Đó là lượng vốn rất lớn mà NHCSXH điều hành để thực hiện các chương trình trọng điểm của Chính phủ trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình tín dụng học sinh sinh viên (HSSV), đã có trên 3,3 triệu lượt HSSV được tiếp cận vốn. Công tác thu nợ chương trình rất tốt, trước đây dư nợ khoảng 37 nghìn tỷ đồng đến nay còn 30 nghìn tỷ đồng, cho nên sức ép về bố trí vốn là không lớn, NHCSXH đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để trang trải học phí của HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm PV
.
.
.