Ứng dụng công nghệ thông tin làm thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam
Tại hội nghị, các đại biểu có cùng nhận định, việc áp dụng CNTT, tự động hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động… Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử viễn thông, tự động hóa đã giải quyết được các vấn đề về dự báo thời tiết; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Đại diện của VinEco (thành viên của Tập đoàn VinGroup), một trong những DN tiên phong ứng dụng CNTT trong nông nghiệp cho biết, những năm qua DN này đã ứng dụng công nghệ số để số hóa và tự động hóa các quy trình sản xuất, qua đó thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cơ hội kinh doanh và doanh thu mới. Việc ứng dụng công nghệ số còn tạo ra sự trải nghiệm sống động cho khách hàng đối với sản phẩm qua các kênh online/offline, giúp người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm, dễ dàng lựa chọn và “trung thành” với sản phẩm của DN...
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, nơi có TP Đà Lạt là địa phương tiên phong cả nước về ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp cho biết, tỉnh này hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNTT với mức đầu tư cao như nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT… Lâm Đồng đang có 56.000ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 - 9 tỷ đồng; hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng…
Tuy nhiên, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, CNTT của Lâm Đồng hiện chỉ chiếm khoảng 20% diện tích đất canh tác, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Đa số diện tích ứng dụng CNTT chỉ tập trung tại một số vùng chuyên canh về rau, hoa.
Tại hội nghị, các DN, chuyên gia CNTT và nhà quản lý đều có chung nhận định, ứng dụng và phát triển CNTT đã làm thay đổi nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Kết quả của việc ứng dụng này đã làm chuyển đổi nhanh từ nông nghiệp truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, năng xuất, chất lượng và hiệu quả kinh tế thấp sang nền nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn trong việc ứng dụng CNTT ở lĩnh vực nông nghiệp, nhất là vấn đề về nguồn vốn; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu; giá cả, thị trường tiêu thụ... cũng sẽ ảnh hưởng đến việc ứng dụng CNTT. Hội nghị lần này còn là dịp để các DN, nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cơ hội để hợp tác phát triển thị trường, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực hoạt động, thúc đẩy ứng dụng và phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.