Tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Việt rất yếu

Chủ Nhật, 26/10/2014, 17:56
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nguyên liệu và linh kiện trong chuỗi sản xuất của công ty nước ngoài (FDI). Điển hình như linh kiện sản xuất ôtô chỉ đáp ứng 8%, điện tử 20%, dệt may - da giày 50%... Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang là một nền công nghiệp phụ thuộc và gia công, bởi có đến 95% nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường các nước và doanh nghiệp (DN) FDI.

Hiện nay, ngoài việc hưởng thuế suất ưu đãi đầu tư, DN CNHT còn được hưởng chính sách ưu đãi về tiền thuê đất. Mặc dù được hưởng ưu đãi nhiều thứ, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, ngành CNHT của Việt Nam đang yếu trên diện rộng. Đơn cử, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 588 DN CNHT, chiếm 34% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thế nhưng, phần lớn kim ngạch xuất khẩu này là công của DN FDI. Còn tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp mũi nhọn cũng đang ở mức rất thấp, như ngành ôtô và xe máy tỷ lệ nội địa hóa chỉ 10-15%; cơ khí 10%, dệt may - da giày 40 - 50%...

Tương tự, TP Hồ Chí Minh là TP lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng phụ thuộc nhiều vào DN FDI và tỷ lệ nội địa hóa các ngành nói trên cũng không hơn nhiều so với tỉnh Đồng Nai. Nói về năng lực của DN Việt trong ngành CNHT, GS. TS Võ Thanh Thu - Ủy viên Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế dẫn chứng, Tập đoàn Samsung đang “đổ bộ” vào Việt Nam đầu tư chính là cơ hội lớn của DN trong nước. Thế nhưng, điều đáng buồn là chỉ có 7/500 DN trong nước có thể sản xuất được bao bì cho Samsung, còn các loại linh kiện khác thì DN đành chịu thua.

Dệt may, ngành có kim ngạch XK lớn nhưng hầu hết nguyên liệu là nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Ông Võ Tấn Thành - Giám đốc Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP Hồ Chí Minh khẳng định, CNHT của Việt Nam chậm phát triển và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nguyên liệu và linh kiện cho chuỗi sản xuất của công ty nước ngoài.  Như linh kiện sản xuất ôtô đáp ứng 8%, điện tử chỉ đáp ứng 20% nguyên liệu và linh kiện, dệt may - da giày đáp ứng cao hơn, được 50%... Chính vì yếu về CNHT nên DN Việt chỉ có thể cung cấp 32,2% linh kiện cho DN Nhật Bản (DN trong nước chỉ đáp ứng 13,2%, còn lại là của DN FDI Nhật Bản), trong khi đó tỷ lệ này của Trung Quốc là 64%, Thái Lan 52,7%, Indonesia 40,8%...

Nhận thấy Việt Nam đang là thị trường tiềm năng khi quá trình đàm phán hiệp định TPP, Việt Nam – EU, Hiệp định Liên minh thuế quan Nga, Kazakhstan… Việt Nam sắp kết thúc. Các hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết thì thuế suất vào các nước sẽ 0% nên các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc... đã “đón đầu” ồ ạt đổ vào đầu tư tại Việt Nam, kể cả các nhà sản xuất lớn các thương hiệu Nike, Adidas, Puma... cũng đã dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh sang Việt Nam để đón cơ hội. Trong khi đó, các DN Việt Nam vẫn chưa có động thái gì trước áp lực của các DN nước ngoài.

Theo GS. TS. Võ Thanh Thu, để có thể thúc đẩy ngành CNHT phát triển đồng bộ và hội nhập vào chuỗi liên kết mang tính toàn cầu, Chính phủ cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng

T.Hà
.
.
.