Tỷ giá USD về sát “xuất phát điểm” từ đầu năm: Ai hưởng lợi?
Báo cáo thị trường nợ của Công ty chứng khoán MBS cho biết, tỷ giá USD/VND đang tiến sát về mức đầu năm, ổn định nhất khu vực. Tỷ giá trung tâm hiện đang ở mức 23.239 đồng/USD, giảm 22 đồng/USD so với mức cuối tháng 5. Tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá trên thị trường tự do đều đang ở mức thấp hơn tỷ giá trung tâm, lần lượt giao dịch ở mức 23.229 đồng/USD và 23.225 đồng/USD. Tính từ đầu năm, tỷ giá tự do đã giảm 35 đồng/USD.
Trong khi đồng tiền các nước trong khu vực mất giá khoảng 1-5% so với đồng USD tính từ đầu năm, thì việc giữ vững giá trị của VND trở thành một điểm sáng trong điều hành kinh tế. Thành tựu kiểm soát dịch bệnh được cho là yếu tố quan trọng góp phần làm nên kết quả này. Bên cạnh đó, cung cầu ngoại tệ trong nước ổn định cũng giúp hạ nhiệt tỷ giá nhanh chóng.
Tỉ giá USD những ngày gần đây đang xuống thấp. |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại nửa cuối tháng 5 thặng dư 1,98 tỷ USD, tính chung cả tháng 5 thặng dư 1 tỷ USD - trái với dự báo thâm hụt trước đó. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại thặng dư tới 3,54 tỷ USD trong khi cùng kỳ 2019 thâm hụt 256 triệu USD. Cùng với đó, kiều hối 5 tháng của thành phố Hồ Chí Minh là 2,3 tỷ USD chỉ giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đối tích cực so với những lo ngại trước đó về sự sụt giảm mạnh của kiều hối do dịch bệnh toàn cầu.
Về nhân tố điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cho thấy khả năng kiểm soát tỷ giá khi đưa ra thông điệp ổn định đúng thời điểm. Trên thị trường mở, trong nửa đầu tháng 6, lượng tín phiếu phát hành từ tháng 3 với kỳ hạn 91 ngày tiếp tục đáo hạn trong khi không phát sinh giao dịch nào mới khiến NHNN bơm ròng 27.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã trả lại hệ thống toàn bộ số tiền đã hút ròng từ đầu năm để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính. Ngoài ra, yếu tố bên ngoài cũng một phần hỗ trợ cho tỷ giá trong nước. FED đã cắt giảm khẩn cấp lãi suất về gần 0%, khẳng định sẽ giữ nguyên lãi suất này ít nhất là tới 2022 và cung cấp gói nới lỏng định lượng không giới hạn. Những động thái này khiến đồng USD nhanh chóng hạ giá.
Tỷ giá ổn định, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sẽ giúp hỗ trợ các ngành có đặc thù vay nợ ngoại tệ nhiều như điện, vận tải biển, xi măng… ; các ngành nhập khẩu nhiều nguyên liệu và tiêu thụ thành phẩm ở thị trường nội địa như dược, nhựa, săm lốp… vì giảm bớt chi phí đầu vào. “Con số xuất siêu trong 5 tháng đầu năm nay là một dẫn chứng.
Với chính sách điều hành vĩ mô đang đi đúng hướng và sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh, tôi tin rằng cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục ở trạng thái dương. Các doanh nghiệp nhập khẩu vì vậy sẽ bớt gánh nặng và mối lo về tỷ giá”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh phân tích.
Trong khi đó, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc duy trì ổn định tỷ giá tiếp tục tạo niềm tin thu hút thêm nguồn vốn FDI trong tương lai gần, đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19, giúp cho NHNN tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối, tạo điều kiện để tiền đồng duy trì được sự ổn định trong thời gian qua và trong thời gian tới.
Còn TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, “Với việc điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt, đặc biệt là việc công bố tỷ giá trung tâm bám sát diễn biến thị trường hàng ngày đã góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối. Qua đó giữ được sự ổn định tỷ giá, củng cố lòng tin của người dân vào đồng VND”.
Dự báo về xu hướng tỷ giá trong nửa cuối năm 2020, các chuyên gia cho rằng sẽ không vượt quá mức 2%. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, trong bối cảnh cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu ở mức cao, đồng thời dòng tiền kiều hối vẫn tăng trưởng ổn định, ước tính trong năm 2020 NHNN sẽ mua vào khoảng 10 - 12 tỉ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên gần 92 tỉ USD, tương đương 4 tháng nhập khẩu.
Còn theo quan điểm của MBS, từ nay cho đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể lên tới hơn 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm, mức độ giảm sẽ chỉ khoảng 2% do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ mất dần.
Còn từ phía cơ quan điều hành, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, NHNN điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Trong đó, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường.