Từ trí thức thành tội phạm chứng khoán

Thứ Tư, 29/04/2009, 14:35
Trước khi phạm tội, họ đều là những trí thức, có học vấn cao, có trình độ, kiến thức về kinh tế. Mải lao theo vòng xoáy của chứng khoán, họ đã không làm chủ được bản thân, trở thành con nợ. Để có tiền trang trải nợ nần, họ đã bước chân vào ranh giới của tội phạm. Và khi họ bình tĩnh nhìn lại mới nhận ra rằng những người gánh hậu quả đau lòng nhất lại chính là những người thân yêu nhất của họ…

Làm giả cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội

Chiều 27/4, TAND quận Ba Đình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Ngô Quốc Hoàng (37 tuổi), ở tập thể UBKH nhà nước, 294 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, làm nghề môi giới chứng khoán tự do, can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ở hàng ghế dành cho thân nhân, có 2 người phụ nữ mắt đỏ hoe, chốc chốc lại nhìn về phía vành móng ngựa. Một người là vợ Hoàng, một người là chị gái Hoàng. Trông Hoàng có vẻ bình tĩnh, béo ra so với ngày bị cơ quan Công an bắt giữ.

Chị gái Hoàng cho biết, nhà đông anh em, bố mẹ là công nhân viên chức, lương ba cọc ba đồng nên mặc dù là con út, Hoàng đã phải tự lập từ hồi là sinh viên, nửa ngày làm thêm, nửa ngày đi học. Năm 1996, tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại, Hoàng cũng đã làm khá nhiều công việc như bán bảo hiểm, tiếp thị đồ gia dụng… để trang trải cuộc sống.

Năm 2005, cơn sốt chứng khoán đã kéo Hoàng "lên sàn", làm môi giới ở thị trường OTC. Nhưng thị trường trồi sụt thất thường, chưa mang đồng nào về cho gia đình, Hoàng đã trở thành con nợ.

Lúc bí bách, Hoàng đã làm liều, lừa đảo bán cổ phiếu giả bằng cách dùng bộ hồ sơ giao dịch chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng TMCP Quân đội thật, mang ra hàng photo scan lại mẫu dấu, mẫu tên của cán bộ bộ phận chuyển nhượng, sau đó mang đến một cửa hàng trên phố Lý Thường Kiệt để thuê khắc dấu giả. Với 2 con dấu giả này, Hoàng đóng khống vào các đơn yêu cầu chuyển nhượng cổ phần để lừa những người có nhu cầu mua.

Hoàng đã tự bịa ra tên người chuyển nhượng là Nguyễn Văn Tuấn để bán cổ phần không có thật cho những người cùng làm môi giới trên sàn với Hoàng. Sau khi mua đi bán lại qua nhiều trung gian, người cuối cùng mua phải 10.000 cổ phiếu rởm của Hoàng với giá 146 triệu đồng là anh Nguyễn Đắc Hướng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Sự việc bị bại lộ, lúc đó Hoàng vẫn đang ung dung trên sàn chứng khoán, đã bị mọi người bắt giữ chuyển cơ quan Công an. Khám xét nơi ở của Hoàng, thu được một số giấy tờ liên quan, 2 con dấu giả. Hoàng bị bắt giữ và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngô Quốc Hoàng và giấy tờ chuyển nhượng cổ phiếu giả.

Ngày Hoàng bị bắt, đứa con gái thứ 2 mới được 13 tháng tuổi. Vợ Hoàng kể, từ ngày chồng "lên sàn", tiền đâu chẳng thấy, chỉ thấy Hoàng lúc nào cũng hốc hác vì tính toán, cân đối trả nợ.

Mẹ Hoàng đã hơn 70 tuổi, lại bị bệnh tim, cứ ngất lên ngất xuống. Ngày Hoàng ra tòa, vợ và chị gái Hoàng phải giấu bà cụ. Kết thúc phiên tòa, Ngô Quốc Hoàng nhận bản án 4 năm 6 tháng tù giam và phải bồi thường cho người bị hại.

Ngân hàng chưa thành lập đã lừa bán cổ phiếu chiếm đoạt tiền tỷ

Cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực chứng khoán, bị can Lê Quang Hưng (32 tuổi), có trình độ học vấn khá cao, sở hữu bằng đại học và bằng thạc sỹ về tài chính, đang theo học nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tài chính để làm luận án tiến sỹ.

Trước khi chuyển công tác tới Ban trù bị thành lập Ngân hàng TM cổ phần Dầu khí (sau đổi tên là Ngân hàng TMCP Hồng Việt), Hưng từng là cán bộ của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội. Gia đình Hưng hẳn đã kỳ vọng rất nhiều vào đứa con trai năng động, thông minh như vậy.

Nhưng bước ngoặt biến Lê Quang Hưng từ một trí thức trở thành tội phạm cũng từ khi anh ta chuyển công tác tại Ban trù bị thành lập Ngân hàng TM cổ phần Dầu khí, được dự kiến bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hành chính quản trị.

Sau khi Ban trù bị thông báo việc mua cổ phần góp vốn thành lập ngân hàng, Hưng có đơn xin mua 50.000 cổ phần (trị giá 500 triệu đồng) và đã nộp số tiền này vào tài khoản của Ban trù bị thành lập ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Quốc tế.

Tiếp đó, Hưng nhận của anh Lê Tuấn Anh - cán bộ Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt 5,5 tỷ đồng để góp vốn mua 550.000 cổ phần. Sau khi nộp số tiền trên vào tài khoản của Ban trù bị, Hưng viết đơn đề nghị Ban trù bị xác nhận số tiền 5,5 tỷ đồng là của anh Lê Tuấn Anh, trong trường hợp ngân hàng không được thành lập thì đề nghị Ban trù bị trả cho anh Lê Tuấn Anh số tiền này.

Tuy nhiên, Lê Quang Hưng đã lợi dụng các chứng từ liên quan đến việc nộp số tiền 5,5 tỷ đồng trên (thực chất là tiền của anh Lê Tuấn Anh, Hưng chỉ đứng tên người nộp tiền) để lừa đảo, vay tiền của nhiều người rồi chiếm đoạt.

Cụ thể, Hưng dùng bản gốc "giấy báo nợ" xác nhận việc chuyển tiền góp vốn trên để đảm bảo cho khoản vay trên 5,7 tỷ đồng và 50.000 USD của anh Hoàng Mạnh Hùng ở phố Đội Cấn, Ba Đình; dùng chứng từ ủy nhiệm chi với nội dung chuyển tiền góp vốn để đảm bảo cho khoản vay 1,8 tỷ đồng của chị Hoàng Thị Lan ở khu Mễ Trì Hạ; dùng chứng từ gốc "ủy nhiệm chi" số tiền 5,5 tỷ đồng và giấy nộp tiền 500 triệu đồng để làm giấy cho, tặng 600.000 cổ phần tương đương 6 tỷ đồng cho chị Hoàng Thanh Bình ở phố Ngô Quyền, Sơn Tây, đảm bảo cho khoản vay 1,354 tỷ đồng; dùng chứng từ gốc "phiếu thu tiền" mua 50.000 cổ phần trị giá 500 triệu đồng để đảm bảo cho khoản vay 300 triệu đồng của chị Hoàng Huyền Chi - bạn của chị gái Hưng.

Đến tháng 8/2008, biết Ngân hàng Hồng Việt không được phép thành lập, Lê Quang Hưng đã làm thủ tục chuyển trả cho anh Lê Tuấn Anh số tiền 5,5 tỷ đồng. Do không có khả năng trả nợ, Hưng gửi qua đường bưu điện cho tất cả những người mà Hưng đã vay tiền nêu trên một bản thông báo có nội dung do ngân hàng không được cấp giấy phép thành lập nên Hưng không thể sở hữu số cổ phần đã mang ra đảm bảo cho các khoản vay, đồng thời cam kết sẽ trả nợ khi có điều kiện.

Trong thời gian từ 14/7 đến 5/9/2008, Hưng bỏ làm việc tại Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt, trốn khỏi nơi cư trú tại địa chỉ 476 Trường Chinh. Do đó, những người bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Lê Quang Hưng. Sau khi cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, gia đình đã đưa Hưng tới cơ quan Công an trình diện.

Tại cơ quan điều tra, Hưng khai do vay lãi cao, không có khả năng thanh toán nên đã dùng tiền vay của người này trả lãi cho người kia. Đến nay, Hưng mới trả được một phần tiền, hiện còn chiếm đoạt 8,171 tỷ đồng và 50.000 USD. 

Có lẽ, vòng xoáy của những đồng tiền ảo từ chứng khoán đã nằm ngoài những kiến thức kinh tế của Lê Quang Hưng. Cho đến khi vào trại tạm giam, ngoài món nợ khổng lồ không có khả năng trả trên, Hưng còn đẩy bố mẹ già vào cảnh không nhà bởi ngôi nhà trên đường Trường Chinh, trước đó, để đảm bảo cho khoản vay, Hưng đã vận động bố mẹ viết giấy chuyển nhượng cho một trong số những người Hưng đã vay tiền. Quá thời hạn nhưng Hưng không trả nợ được, người này đã sang tên ngôi nhà cho một người khác.

Theo điều tra viên cho biết, không có chỗ ở, bố mẹ Hưng đành lợp tạm mái tôn trên nóc ngôi nhà đã thuộc về người khác. Hằng ngày, bố mẹ Hưng phải đi nhờ qua nhà một người họ hàng ở sát vách để trèo từ trần nhà liền kề sang căn nhà tạm bợ ấy, bởi chủ nhân mới của ngôi nhà đã khóa tất cả các cửa ra vào. Việc Ngân hàng Hồng Việt không được cấp phép thành lập khiến Lê Quang Hưng không có khả năng trả nợ. Nhưng lý do ấy cũng không thể biện minh cho hành vi sử dụng các loại giấy tờ của cùng một khoản tiền để lừa vay tiền nhiều người cùng một lúc như vậy

Hương Vũ
.
.
.