Truy tố TGĐ Nguyễn Đình Chiến vì tội sử dụng tài liệu giả để lừa đảo
Hơn 10 năm trước, ông Chiến bị bắt trong vụ án Vimproco, vì bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Năm 2006, TAND TP Cần Thơ tuyên ông không phạm tội, và ông đòi bồi thường 570 tỷ đồng cho "vụ oan sai xuyên thế kỷ" này. Nguyễn Đình Chiến còn từng được VTV1 tuyên truyền trong chương trình Người đương thời...
Theo kết luận điều tra, Công ty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hong Kong do Nguyễn Đình Chiến làm Tổng Giám đốc không có khả năng tài chính, không có nguồn tiền cho vay. Tuy nhiên, ông Chiến đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả của một số ngân hàng nước ngoài bằng tiếng Anh nhằm chứng minh ông Chiến, Công ty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hong Kong có nguồn ngoại tệ cho vay để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tác.
Cụ thể, thông qua việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư huy động vốn và hợp đồng tín dụng cho vay, ông Nguyễn Đình Chiến đã chiếm đoạt 20 tỷ đồng của Trường Đại học Nguyễn Trãi, hiện mới trả được 570 triệu đồng và 10.000 USD.
Nguyễn Đình Chiến và các giấy tờ giả mạo. |
Cũng với thủ đoạn này, ông Chiến chiếm đoạt gần 6,5 tỷ đồng của Công ty Đại Viễn Dương (hiện mới trả được 3,1 tỷ đồng và 1.500 USD). Ngoài ra, bị can này còn dùng 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Đại Viễn Dương để thế chấp vay 80 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương sử dụng vào việc khác không đúng cam kết gây thiệt hại cho Công ty Đại Viễn Dương. Hiện 12 giấy chứng nhận này Ngân hàng Đại Dương đang quản lý.
Để tạo lòng tin cho các nạn nhân, ông Nguyễn Đình Chiến đã đưa ra các tài liệu nhằm chứng minh năng lực tài chính của Công ty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hong Kong, gồm: Giấy bảo lãnh của Ngân hàng Barclay Lon don ngày 10/10/2007 với số tiền 500 triệu Euro, người thụ hưởng là Nguyễn Đình Chiến; Giấy hứa thanh toán nợ quốc tế số tiền 2 triệu USD ngày 26/6/2007 của Tập đoàn BaSon Hong Kong chuyển trả cho ông Nguyễn Đình Chiến do ông Bạch Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT ký tên; Thư bảo lãnh Evro Bank tổng số tiền 100 triệu Euro, người thụ hưởng là ông Bounthoua Sayvong (Lào); Điện báo của FEDERAL RESRVE BANK OF NEW YORK số tiền 6 tỷ Euro, người thụ hưởng là Công ty TNHH XNK phát triển nông lâm nghiệp Lào; Hợp đồng uỷ quyền giữa ông Aixinjuelou Yuhao và Nguyễn Đình Chiến về việc sử dụng viên ngọc trị giá 1,2 tỷ USD và điện báo của Ngân hàng Dự trữ liên bang New York với số tiền 60 tỷ Euro... Như vậy, tổng số tiền qua các tài liệu trên là 66,6 tỷ Euro và hơn 1,2 tỷ USD.
Qua giám định, cơ quan ANĐT xác định những giấy bảo lãnh, điện báo... về nguồn ngoại tệ trên là giả mạo. Phần chữ viết, chữ ký và con dấu trên các tài liệu trên đều được làm bằng phương pháp in phun màu và in laze.
Ngoài ra, được biết ông Chiến còn gửi văn bản cho một ngân hàng nhà nước của một nước bạn cho biết hiện ông Chiến đang quản lý một nguồn ngoại tệ lớn và sẽ cho vay từ 50 tỷ đến 100 tỷ USD với thời hạn 50 năm không tính lãi. Thấy vậy, phía ngân hàng này đã làm công văn gửi cơ quan chức năng Việt Nam để xác minh, mới hay thông tin này là do ông Chiến tự khoe khoang, không có thật