Trưởng phòng XNK cùng nhân viên Hải quan buôn 135 container vải lậu

Thứ Năm, 08/11/2007, 14:37
Nguyễn Anh Tú, Trưởng phòng XNK Công ty Unimax Sài Gòn, đã móc nối với ba nhân viên Hải quan giám sát cổng Khu chế xuất Tân Thuận để dùng tư cách pháp nhân Công ty XNK Unimax công khai nhập lậu 135 container các loại vải bán ra thị trường.

Ngày 7/11, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã tống đạt cáo trạng truy tố Nguyễn Anh Tú, nguyên Trưởng phòng XNK Công ty Unimax Sài Gòn cùng 9 bị can khác trong vụ buôn lậu 135 container vải gây thiệt hại gần 25 tỷ đồng.

Nguyễn Anh Tú đã móc nối với ba nhân viên Hải quan giám sát cổng Khu chế xuất Tân Thuận để dùng tư cách pháp nhân Công ty XNK Unimax công khai nhập lậu các loại vải bán ra thị trường.

Qua giám sát việc nhập khẩu vải, Đội kiểm soát Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận nhận thấy điều không bình thường trong việc tạm nhập tái xuất mặt hàng vải của Công ty XNK Unimax Sài Gòn.

Sau khi trao đổi thống nhất, Hải quan TP Hồ Chí Minh và các ngành chức năng lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra toàn bộ lô vải sợi nhập khẩu theo Tờ khai Hải quan số 26221/NK-ĐT-KCX-KCXTT của Công ty Unimax Sài Gòn. Theo khai báo trên tờ khai Hải quan và chứng thư nhập khẩu thì mặt hàng là vải Polyster có số lượng tương đương 57.000m, có xuất xứ từ Trung Quốc, trị giá lô hàng 29.000 USD.

Nhưng khi kiểm tra thực tế mặt hàng vải trong những container lại là các loại vải thun, Mouseline Hoa, Suise bóng hoa… có số lượng gần 38.000m, trị giá gần 37.000 USD.

Hải quan TP Hồ Chí Minh tiến hành lập biên bản vi phạm quả tang; kiểm tra tiếp lô hàng nhập khẩu liền kề, đoàn kiểm tra phát hiện lô hàng vải này trị giá gần 21.000 USD hàng đã nhận, nhưng không đưa về Công ty Unimax lại đưa ra thị trường tự do tiêu thụ.

Như vậy, qua hồ sơ nhập khẩu và vận chuyển, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều lô hàng trước đó nhập về đã được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường tự do.  

Tiến hành kiểm tra thêm nhiều lô hàng của Công ty Unimax, đoàn kiểm tra Hải quan phát hiện thêm những lô hàng nhập lậu ngày càng nhiều, nên đã báo cáo lãnh đạo và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh để tiếp tục làm rõ.

 Tiếp nhận hồ sơ và tiến hành điều tra, cơ quan điều tra và Công ty Unimax đã kiểm tra đối chiếu và xác định có 133 bộ hồ sơ nhập vải trong 2 năm 2003 và 2004 mang danh nghĩa Công ty, nhưng lại đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường tự do.

Trước những chứng cứ này, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam Nguyễn Anh Tú và các đối tượng lợi dụng việc XNK của Công ty Unimax được áp dụng chế độ miễn kiểm hoá đã nhập lậu vải cho các đối tượng tự do theo các hợp đồng mà Công ty Unimax đang thực hiện.

Để thực hiện việc nhập lậu và tiêu thụ vải với số lượng lớn, Nguyễn Anh Tú thông qua Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông và Thạch Lễ Chân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông đã bàn bạc và thống nhất tỉ lệ ăn chia theo trách nhiệm theo đó: Nguyễn Anh Tú lo nhập vải về theo đơn giá 50 triệu đồng/container; Thạch Lễ Chân nhận và bán hàng cho các tiểu thương với giá 120-130 triệu đồng/container.

Sau khi kết giá bán hàng, Nguyễn Việt Thắng cung cấp và hợp thức hóa các chứng từ, hoá đơn nhằm hợp thức hoá đầu ra cho các lô hàng vải nhập lậu.

Qua điều tra, bước đầu đã xác định có ba nhân viên Hải quan phụ trách cổng Hải quan Khu chế xuất Tân thuận là Nguyễn Thanh Tùng ký xác nhận khống "hàng vào khu chế xuất" cho 98 bộ tờ khai hải quan với giá trị trên tờ khai hơn 2 triệu USD.

Nguyễn Trung Hải ký xác nhận khống 18 bộ hồ sơ trị giá 387.000 USD và Tô Ngọc Hiền ký xác nhận 5 bộ hồ sơ trị giá 96.000 USD.

Điều khá bất ngờ là khi tiến hành điều tra, cơ quan An ninh điều tra cũng đã xác định tên Nguyễn Cương (đối tượng đang thụ hình trong vụ án Mai Văn Dâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại), khi đó là Phó Ban Quản lý khu chế xuất, là người chịu trách nhiệm chính Ban Quản lý Khu chế xuất Tân Thuận (Hepza) là cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong Khu chế xuất biết rất rõ là Công ty XNK Unimax Sài Gòn không thể có các cơ sở vật chất đủ đáp ứng cho việc tăng đột biến gấp 7 lần theo chỉ số đăng ký hàng năm trong hai năm 2003-2004 mà vẫn cấp chỉ tiêu, không có biện pháp kiểm tra, giám sát.

Qua việc phát hiện buôn lậu vải tại Khu chế xuất Tân Thuận là bài học "kinh nghiệm xương máu" đối với Ban quản lý các khu chế xuất

Phương Quỳnh
.
.
.