Trưng biển “đại hạ giá” để “câu” khách

Thứ Năm, 28/05/2009, 14:38
Phần lớn các cửa hàng treo biển “đại hạ giá” hay “sale off” đều nhằm mục đích “dụ” khách. Những mặt hàng có mức giá "sốc" như vậy chủ yếu là những chiếc áo đã ngả màu hoặc mốt đã cũ. Còn các loại hàng mới nhập về thì không hề được giảm giá.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng luôn phải "nhòm" vào túi tiền trước khi mua sắm. Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng, cửa hiệu đã có nhiều "chiêu" để hút khách. Có rất nhiều cách quảng cáo mới nghe qua nhiều người không khỏi tò mò, thậm chí giật mình. Quảng cáo rất hay để thu hút khách, tuy nhiên rất ít cửa hàng tuân thủ đúng theo tiêu chí như cái tên bề ngoài.

Cả trăm "chiêu" dụ khách

Gần đây, đi trên nhiều con phố của Hà Nội, đập vào mắt người đi đường là những tấm biển đề: Cửa hàng đại hạ giá, giá cực "sốc", ở đây cái gì cũng rẻ, giá siêu rẻ… rất bắt mắt. Trước đây ba từ "đại hạ giá" chỉ xuất hiện mang tính chất thời vụ, khi các cửa hàng muốn thanh lý hàng tồn, hay vào những dịp có chương trình khuyến mãi, thì nay "đại hạ giá" như đã trở thành mốt. Các cửa hàng đua nhau trưng ra những tấm biển, thậm chí còn dùng ngay cả những "mỹ từ" như thế để đặt tên cho cửa hàng.

Có thể thấy các cửa hàng với những cách giới thiệu gây tò mò cho người tiêu dùng ở khắp các tuyến phố Hà Nội. Tuy nhiên, có lẽ tập trung đông nhất là tại khu vực Cầu Giấy. Trên các con phố như: Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Xuân Thủy… là nhan nhản các cửa hàng loại này.

Có thể gọi đường Cầu Giấy là phố "giá rẻ" với đủ các chiêu "câu khách" của các cửa hàng như: Ở đây cái gì cũng rẻ, cửa hàng giá rẻ nhất, cửa hàng đại hạ giá, giảm giá từ 50 đến 70%... nằm san sát nhau. Các mặt hàng chủ yếu là các loại quần áo, giày dép. Bên cạnh đó cũng có một số mặt hàng nữa như: mỹ phẩm, đồ gia dụng. Bằng các từ hấp dẫn, các chủ cửa hàng đã "dụ" được không ít khách hàng nhưng thực tế không có nhiều cửa hàng thực hiện đúng theo tôn chỉ như cái tên đang sử dụng.

Ở đây cái gì cũng rẻ (!?)

Để tìm hiểu thực hư đằng sau cái gọi là hàng giá rẻ, chúng tôi bước vào một "cửa hàng giá rẻ nhất" trên đường Cầu Giấy. Trên giá là hàng trăm đôi giày mà bất kỳ ai xem qua cũng có thể nhận biết được hầu hết đều là hàng Trung Quốc. Chỉ một số ít hàng của các hãng có tên tuổi được bày biện rất cẩn thận trên tận giá cao nhất và niêm yết giá theo thị trường.

Cầm một đôi giày nam có giá 270.000đ, hỏi cô nhân viên bán hàng: "Giá cũ của đôi giày này là bao nhiêu?" thì nhận được câu trả lời rằng đây là giá đã giảm rất nhiều so với giá gốc của sản phẩm. Cửa hàng đã giảm nhiều so với giá gốc. Còn giá đã rẻ nhất hay chưa thì các cô chỉ biết bán hàng theo giá niêm yết trên sản phẩm. So sánh giá của đôi giày cùng loại đó với một số cửa hàng khác không treo biển quảng cáo giá rẻ và tại một số siêu thị như: Big C, Fivimart thì giá không hề rẻ hơn.

"Đo ván" khách hàng 

Qua tìm hiểu tại một số cửa hàng "đại hạ giá", chúng tôi được biết hầu hết các cửa hàng này đều có chung một quy tắc, đó là "không thử", "không mặc cả". Khách hàng thích cái nào thì "tiền trao cháo múc". Cửa hàng ngay cạnh chợ Nghĩa Tân có cái tên rất mỹ miều "Cửa hàng bách hóa giá rẻ". Hàng đống quần áo có giá dao động từ 35.000 đến 150.000đ, thực tế chủ yếu là quần áo gia công hàng chợ. Thế nhưng cũng có rất đông người quây vào xem hàng.

Một khách hàng có vẻ ưng ý với một bộ quần áo hè có giá 35.000đ nhưng vì sản phẩm có một vài lỗi kỹ thuật. Chị thắc mắc với chủ hàng thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ: "Có 35.000đ một bộ mà đòi hỏi nỗi gì. Muốn mua hàng tốt thì mua hàng đắt tiền ấy". Câu nói khiến người khách ngượng đỏ mặt mà bỏ đi.

Cũng chính vì cái quy tắc không thử, không mặc cả đó mà nhiều người khi mua hàng về đến nhà mới té ngửa ra, sản phẩm không lỗi chỗ này thì cũng lỗi chỗ kia. Lúc đó cũng không thể mang ra đổi, đành phải cắn răng chịu thiệt.

Chị Nguyễn Thị Lanh ở số nhà 18, tổ 45, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy than thở: "Mấy hôm trước chị vào "cửa hàng một giá" ở ngay đầu đường Kim Mã mua cho 2 đứa con, mỗi đứa một bộ quần áo với giá là 90.000đ/bộ. Thế nhưng khi mua về mới gặt đến lần thứ 2 mà màu đã bạc phếch".   

Đối với các chủ cửa hàng này, treo biển "đại hạ giá" cũng là một cách để khách hàng khỏi… trả giá. Tại một cửa hàng trên phố Cầu Giấy treo tấm biển quảng cáo rất hấp dẫn mà ít người đi đường nào không để ý là "sale off 50 - 70%" (giảm giá 50- 70%), theo quan sát của chúng tôi, những mặt hàng có mức giá "sốc" chủ yếu là những chiếc áo đã ngả màu hoặc mốt đã cũ. Còn các loại hàng mới nhập về thì không hề được giảm giá.

Khi chúng tôi thắc mắc về những chiếc áo sơ mi có giá từ 100.000- 120.000đ (đã được cửa hàng giảm giá) không rẻ hơn so với giá thị trường thì nhân viên bán hàng giải thích: "Đó là giá chung, ở những chỗ khác khách hàng phải trả mấy lần mới xuống được mức giá này, còn ở đây là giá bán luôn".

Quay trở ra, nhìn lại tấm biển quảng cáo "giảm giá 50 - 70%" chúng tôi cũng đã hiểu được phần nào mục đích của các chủ cửa hàng đằng sau các "chiêu" quảng cáo đó. Với tiền thuê cửa hàng mỗi tháng đã lên tới cả chục triệu, cộng thêm tiền thuê nhân viên bán hàng, nếu các chủ cửa hàng giảm giá thật tới 50 - 70% thì đương nhiên họ phải chịu lỗ để bán hàng?

Trong thời điểm khó khăn, người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác với các "chiêu" quảng cáo dụ khách kiểu này. Bởi cái tên "đại hạ giá" được đặt cho các cửa hàng cũng chỉ mang hình thức câu khách, không khác gì những tấm băng rôn thời vụ "lòe" khách vẫn nhan nhản trên các phố. Người mua hàng phải thật tinh tường, không nên "tham rẻ" mà vội vàng, thấy giảm giá mà "tưởng bở" dẫn đến tình trạng tiền mất không biết kêu ai

PV
.
.
.