Trung Quốc: Một số kinh nghiệm trong phát triển đặc khu kinh tế

Thứ Sáu, 01/10/2010, 09:50
2010 là một năm có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc bởi là năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2005-2010), năm thứ 18 chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, năm thứ 19 thực hiện chiến lược tăng tốc kinh tế, năm thứ 9 trở thành thành viên của WTO, năm thứ 32 thực hiện chính sách cải cách mở cửa.

Sau 32 năm cải cách mở cửa (1978-2010), Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế - đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ và 5 đặc khu kinh tế đã đóng góp một phần quan trọng vào thành tích này. Trong số 5 đặc khu kinh tế (Thâm Quyến, Sán Đầu, Hạ Môn, Chu Hải và Hải Nam), Thâm Quyến được coi là đầu tàu bởi nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (6/9/1980 - 6/9/2010) cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều đánh giá cao mô hình này. Và chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình cải cách kinh tế, chính trị ở Thâm Quyến và các đặc khu kể trên bởi họ cần phải tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế Trung Quốc.

Thành quả từ những đặc khu kinh tế.

Năm 2009, Thâm Quyến đã đạt mức GDP đầy ấn tượng: 820,123 tỷ NDT, gấp 979 lần so với năm 1979, còn GDP tính theo đầu người đạt 13.600 USD/người, đứng đầu Trung Quốc. Ngoài 5 đặc khu kinh tế kể trên, Trung Quốc còn thành lập hàng chục khu phát triển kinh tế và công nghệ, khu phát triển khoa học và công nghệ cao, khu mậu dịch tự do và khu mậu dịch biên giới - những cửa sổ thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài. Những đặc khu kinh tế kể trên đều có vị trí thuận lợi trong việc giao lưu quốc tế. Nét đặc trưng chính của các đặc khu kinh tế là được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, hạn ngạch, chính sách đầu tư, tính tự chủ trong hoạch định chính sách… Ngoài những ưu đãi kể trên, Trung Quốc còn huy động tối đa nguồn vốn của Hoa kiều và động viên sự đóng góp của bà con sống ở hải ngoại. Quốc hội đã sửa đổi và thông qua một số luật để khuyến khích sự đầu tư của số đối tượng kể trên.

Trong các đặc khu kinh tế, mọi thành phần kinh tế được cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Trong khi nội địa coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo thì ở các đặc khu kinh tế lại lấy xí nghiệp liên doanh với nước ngoài làm chính. Ngoài việc chủ động tạo môi trường thuận lợi cho việc tiếp nhận đầu tư và kỹ thuật từ nước ngoài, hoàn thành hệ thống thông tin liên lạc hiện đại với 150 nước và khu vực, người ta còn xoá bỏ chế độ 2 giá, xoá bỏ chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm..., cho phép các ngân hàng nước ngoài tự do cạnh tranh kinh doanh.  Giới kinh tế đã liệt kê 5 kinh nghiệm chính trong xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế, đó là "Dò đá qua sông", "Mượn gà đẻ trứng", "Nắm chắc thời cơ", "Dịch vụ một cửa" và "Một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả cánh đồng". Nhưng 5 đặc khu kinh tế kể trên sẽ không thể phát huy sức mạnh nếu không được các tỉnh, thành phố và khu tự trị cùng phối hợp. Kể từ Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 14 (tháng 10-1992) đến nay, Trung Quốc đã không ngừng đổi mới, cải cách thể chế kinh tế theo mô hình của nền kinh tế thị trường XHCN.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 5/2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nhất trí xây dựng "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trong thế kỷ 21 trên cơ sở phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"

Quốc Trung
.
.
.