Trục lợi bảo hiểm, chia nhau 3,8 tỉ đồng

Thứ Bảy, 17/12/2005, 07:55

Vụ trục lợi bảo hiểm tại PJICO là vụ đầu tiên bị phát hiện tại Việt Nam. Với kiến thức sẵn có về nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ thanh toán tài chính, các bị can đã che đậy những  hành vi sai trái của mình một cách khá kỹ lưỡng.

Bà Phan Hồng Thu, 45 tuổi, trú tại 215B6 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2, Tp.HCM là Giám đốc Công ty TNHH Việt Thái Phong. Bà Thu có chồng là ông Nguyễn Thượng Hải, Giám đốc kỹ thuật Công ty TAIFUN GmbH Thụy Sĩ.

Ngày 9/10/2002, Công ty PIZOLER Thụy Sĩ ký hợp đồng mua 2 lô hàng tôm biển của Công ty Sông Tiền, vận chuyển từ cảng Tp.HCM đến cảng Hamburg (Đức). Về phần thanh toán, Công ty PIZOLER sẽ trả tiền lô hàng này cho Công ty Sông Tiền qua Công ty TAIFUN do ông Nguyễn Thượng Hải làm đại diện.

Thực hiện hợp đồng bán tôm, ngày 6/11/2002, lô hàng 14.209,4 kg tôm đã từ cảng Tp.HCM đến Hamburg an toàn. Nhưng lô hàng 15.840 kg tôm rời cảng Tp.HCM ngày 1/11/2002 thì gặp nạn. Khi đến Singapore, hàng được chuyển sang tàu Hanjini Pennsylvania và 8h30 (giờ Việt Nam) ngày 11/11/2002, khi tàu đến Colombo thì bị cháy khiến lô tôm này bị thiệt hại hoàn toàn.

Thế nhưng, 14h cùng ngày (tức là gần 6 tiếng sau khi tàu bị cháy), bà Phan Hồng Thu mới đề nghị một nhân viên của Công ty Sông Tiền đến Chi nhánh PJICO tại Tp.HCM để mua bảo hiểm cho 2 lô tôm (trong đó có một lô đã bị cháy). Và cho mãi đến chiều ngày 18/11/2002 (tức là một tuần sau khi tàu bị cháy), nhân viên Công ty Sông Tiền mới nộp phí bảo hiểm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Hợp - nhân viên PJICO Chi nhánh Tp.HCM - vẫn ghi hóa đơn thu phí bảo hiểm là ngày 11/11/2002 (tức là trùng với thời điểm tàu bị cháy) (?!).

Mặc dù không có liên can gì đến 2 lô hàng tôm của Công ty Sông Tiền nhưng bà Phan Hồng Thu đã bày trò gian dối để thụ hưởng số tiền bảo hiểm lô hàng nói trên. Để chứng minh Công ty Việt Thái Phong do bà ta làm giám đốc có đủ tư cách mua và thụ hưởng bảo hiểm, ngày 31/3/2003 tức là hơn 3 tháng kể từ khi xảy ra vụ cháy, bà Thu đã cung cấp cho PJICO Chi nhánh Tp.HCM hàng loạt các chứng từ gian dối do bà ta tự tạo lập.

Các chứng từ gian dối này nhằm thể hiện: Công ty Sông Tiền đã bán 2 lô tôm trên cho Công ty TAIFUN của ông Nguyễn Thượng Hải mà Công ty Việt Thái Phong đã ký hợp đồng dịch vụ đối với các hợp đồng mua hàng của Công ty TAIFUN tại Việt Nam. Ngoài ra, Phan Hồng Thu còn tạo ra được một giấy ủy quyền với nội dung Công ty Sông Tiền ủy quyền cho Việt Thái Phong được toàn quyền quyết định để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến lô hàng và được hưởng mọi quyền lợi phát sinh từ lô hàng đó.

Về tấm giấy ủy quyền này, bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty Sông Tiền - đã khai nhận tại Cơ quan Điều tra rằng, trên thực tế, Công ty Sông Tiền không có quan hệ mua bán hàng với Công ty Việt Thái Phong. Bà Ánh ký giấy ủy quyền theo đề nghị của vợ chồng bà Phan Hồng Thu chỉ với mục đích nhằm chứng minh việc ông Hải - chồng bà Thu - có mua hàng của công ty và còn nợ công ty tiền mà thôi!

1,9 tỉ đồng hối lộ và màn ảo thuật biến không thành có của các quan tham PJICO

Ngay sau khi Công ty Việt Thái Phong có công văn đề nghị được bồi thường bảo hiểm hàng hóa, Chi nhánh PJICO tại Tp.HCM đã báo cáo và fax toàn bộ hồ sơ ra Hà Nội cho Phòng Giám định bồi thường giải quyết theo thẩm quyền. Trần Nghĩa Vinh - Tổng giám đốc và Hồ Mạnh Quân - Phó tổng giám đốc là người có quyền quyết định giải quyết vụ việc.

Với trình độ nghiệp vụ khá sắc sảo, ngay từ đầu, Vinh và Quân đã nhận ra dấu hiệu trục lợi bảo hiểm của bà Phan Hồng Thu trong vụ việc này. Vì thế, Vinh và Quân đã chỉ đạo Phòng Giám định bồi thường phải kiểm tra việc PJICO Sài Gòn thu phí đối với đơn bảo hiểm ngày 11/11/2002. Mặc dù PJICO Sài Gòn thu phí ngày 18/11 và điều này được thể hiện ở mặt sau của liên 1 hóa đơn thu phí bảo hiểm, trên hóa đơn thu phí nội bộ và sổ quỹ tiền mặt.

Tuy nhiên, Vũ Dương Quý - Phó phòng Giám định bồi thường - vẫn có tờ trình gửi Ban giám đốc PJICO xác nhận: “Chủ hàng đã yêu cầu cấp đơn bảo hiểm và đã nộp phí bảo hiểm ngay sau khi nhận được đơn bảo hiểm”. Xác nhận này của Vũ Dương Quý có nghĩa là chủ hàng đã nộp phí bảo hiểm ngày 11/11 chứ không phải là ngày 18/11 như trên thực tế, đồng nghĩa với việc PJICO không có tài liệu để xác định hợp đồng bảo hiểm là vô hiệu để từ chối việc chi trả tiền bảo hiểm.--PageBreak--

Nhưng tờ trình này của Vũ Dương Quý đã không được các sếp của công ty chấp nhận. Hồ Mạnh Quân và Tần Nghĩa Vinh đã bút phê chỉ đạo với nội dung: “Vụ này có nhiều dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, do đó ta không cam kết thanh toán bồi thường mà sẽ chấp nhận ra tòa và có biện pháp điều tra nhờ Công an kinh tế hỗ trợ”. Đồng thời, Hồ Mạnh Quân cũng ký công văn gửi luật sư Trương Đình Tùng, người được Công ty Việt Thái Phong ủy quyền giải quyết khiếu nại với nội dung: “Công ty Việt Thái Phong không có quyền mua và thụ hưởng bảo hiểm”.

Tiếp đó, ngày 22/4/2004 và ngày 30/7/2004, Ngô Hồng Khoa - Trưởng phòng Giám định bồi thường - đã ký công văn gửi Công ty Việt Thái Phong với nội dung chính thức từ chối trả tiền bảo hiểm với lý do Công ty Việt Thái Phong mua bảo hiểm sau khi tổn thất đã xảy ra gần 6 tiếng.

Hai tháng sau khi nhận được công văn từ chối chi trả bảo hiểm của PJICO, Phan Hồng Thu đã tìm đến Văn phòng luật sư VIETRUST tại Tp.HCM và trao đổi với luật sư Nguyễn Chúng - Trưởng Văn phòng - về việc Thu có thể chấp nhận chi cho các cán bộ PJICO số tiền tương ứng với 2/10 hoặc 3/10 hoặc 5/10 giá trị được PJICO chi trả.

Ngày 21/2/2005, luật sư Nguyễn Chúng đã bay ra Hà Nội, gặp Hồ Mạnh Quân và đặt vấn đề Công ty Việt Thái Phong và PJICO mỗi bên được hưởng một nửa tiền bảo hiểm. Sau đó, luật sư Chúng xin gặp Vinh và cũng nêu đề nghị trên với Vinh nhưng Vinh nói rằng, ông ta không làm việc qua luật sư mà chỉ làm việc trực tiếp với bà Phan Hồng Thu.

Ngay ngày hôm sau, Phan Hồng Thu bay ra Hà Nội và trong cuộc  gặp ngày 22/2/2005, Thu đã thống nhất được với Vinh, Quân mức chia 50/50. Thấy có hơi tiền, lập tức Vinh chỉ đạo Quân chỉ đạo Phòng Giám định bồi thường có báo cáo nhanh giải quyết vụ việc.

Ngày 1/3/2005, theo yêu cầu của Phó tổng giám đốc Hồ Mạnh Quân, Phan Hồng Thu bay ra Hà Nội. Khoảng 11h trưa cùng ngày, tại khách sạn Phú Gia, Phan Hồng Thu đề nghị Quân trả tiền cho Thu trước để Thu rút từ đó ra chi lại cho Vinh và Quân nhưng Quân không đồng ý khiến Thu đành phải chấp nhận phương án Thu sẽ chuyển khoản 300 triệu đồng từ Tp.HCM ra để chi cho PJICO trước vào ngày 3/3/2005.

Ngày 2/3, PJICO tổ chức họp các phòng nghiệp vụ và tại cuộc họp này sự việc đã quay ngoắt 180o khi thống nhất bồi thường toàn bộ cho Công ty Việt Thái Phong(!). Cũng vào lúc này Phan Hồng Thu đã nhận được số tiền 320 triệu đồng chuyển từ Tp.HCM ra qua Vietcombank. Đúng hẹn, chiều ngày 3/3/2005, Phan Hồng Thu đã cùng với một luật sư ra ngân hàng rút tiền và đến giao cho Hồ Mạnh Quân tại phòng làm việc của ông ta trong trụ sở của PJICO ở Hà Nội.

Số tiền giao cho Quân lần này là 316.200.000 đồng. Chiều 4/3, Thu lại cùng với luật sư mang 1.583.880.000 đồng đến phòng làm việc của Quân để giao tiếp cho Quân. Như vậy, đúng theo thỏa thuận chia 50/50, Phan Hồng Thu đã chuyển cho Hồ Mạnh Quân tổng số tiền là 1,9 tỉ đồng.

Về phần mình, Công ty Việt Thái Phong ngay sau đó đã được PJICO chuyển khoản số tiền chi trả bảo hiểm cho lô hàng là 3,8 tỉ đồng (làm tròn số).

Sau khi nhận được 1,9 tỉ đồng “lại quả” của Phan Hồng Thu, ngay cuối giờ chiều 4/3, Hồ Mạnh Quân đã đem 1,1 tỉ đồng sang giao cho Tổng giám đốc Trần Nghĩa Vinh tại phòng làm việc của Vinh. Số tiền còn lại Hồ Mạnh Quân hưởng 600 triệu đồng và chi cho một số cán bộ dưới quyền có liên quan mỗi người 50 triệu đồng.

Tính đến thời điểm này, Cơ quan Điều tra, Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam: Phan Hồng Thu (về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ), Trần Nghĩa Vinh - Tổng giám đốc PJICO (về tội nhận hối lộ), Hồ Mạnh Quân - Phó tổng giám đốc PJICO (về tội nhận hối lộ), Vũ Dương Quý - Phó phòng Giám định bồi thường (về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Hai bị can được tại ngoại là Ngô Hồng Khoa - Trưởng phòng Giám định bồi thường (về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) và Nguyễn Thị Bích Hợp - nhân viên Phòng Bảo hiểm hàng hải Chi nhánh PJICO tại Tp.HCM (về tội cố ý làm trái)

.
.
.