Triệt phá đường dây buôn lậu hàng điện tử từ Hồng Kông về Việt Nam

Thứ Bảy, 14/01/2006, 09:23

Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2005, Nguyễn Thanh Vũ đã thực hiện tới 29 chuyến buôn lậu đủ loại từ linh kiện, card ghi hình, cho tới các loại máy ảnh, máy camera kỹ thuật số Hồng Kông về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất trót lọt.

Do trước đây có thời gian làm giao nhận hàng mẫu từ nước ngoài gửi về qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất nên Nguyễn Thanh Vũ nắm khá rõ đường đi nước bước của một số loại hàng hóa theo dạng "xách tay", quà biếu qua con đường hàng không. Đặc biệt, mặt hàng điện thoại di động, máy ảnh, máy camera kỹ thuật số có độ chênh lệch về giá cả khá cao so với trong nước.

Chiều 10/1, tại sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chống buôn lậu thuộc Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Bộ Công an đã triển khai kế hoạch đón lõng Vũ. 16h30', sau khi vận chuyển 7 kiện hàng qua cửa khẩu Hải quan một cách dễ dàng, Vũ đã được cơ quan CSĐT "đón" và áp giải vào phòng cách ly để tiến hành kiểm tra. 156 máy ảnh, 17 máy quay phim kỹ thuật số đủ các hiệu nổi tiếng của Nhật, nhiều linh kiện điện tử ngành ảnh có tổng trọng lượng 263kg không có nguồn gốc hợp pháp được thu giữ. Ngay lúc đó, Nguyễn Thanh Vũ đã bị dẫn độ về nhà riêng tại số 287 đường Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình để khám xét.

Cuộc khám xét diễn ra khá lâu bởi hàng lậu được cất giấu ở rất nhiều ngóc ngách trong căn nhà này. Cuối cùng, lực lượng Công an cũng đã thu giữ tại căn nhà này hơn 100 máy ảnh, máy quay phim các loại cùng rất nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan đến việc buôn lậu của Vũ.

Khám xét một cửa hàng của Vũ tại quận 1.

1h sáng 11/1, lực lượng Công an lại tiếp tục kiểm tra hai cửa hàng của vợ chồng Vũ tại số 79 và 105 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1. Người bảo vệ hai cửa hàng này đều cố tình không chịu mở cửa. Phải mất gần một tiếng đồng hồ sau khi tổ trưởng dân phố cùng Cảnh sát khu vực đến động viên và giải thích thì hai cửa hàng này mới mở cửa. Sau hơn hai giờ tiến hành kiểm tra, hàng trăm máy ảnh, máy quay phim các loại không rõ nguồn gốc cùng rất nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan được niêm phong tạm giữ.

Từ kết quả điều tra ban đầu, lúc 9h sáng 11/1, năm cửa hàng ở khu vực trung tâm quận 1 là nơi tiêu thụ hàng lậu của Nguyễn Thanh Vũ đồng loạt bị cán bộ, chiến sĩ Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV kiểm tra. Tại 3 cửa hàng do em gái Vũ làm chủ là: cửa hàng Thanh An số 40 Huỳnh Thúc Kháng cùng hai cửa hàng tại khu Thương xá TAX và 2 cửa hàng khác trên đường Nguyễn Huệ, lực lượng Công an thu giữ trên 300 máy ảnh, máy quay phim các loại. Qua những cuộc khám xét, chúng tôi nhận thấy, hầu hết hàng hóa trong các cửa hàng này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Nhưng khi bán ra, vẫn được các cửa hàng này xuất hóa đơn giá trị gia tăng… và tất cả máy ảnh, máy quay phim bán ra đều được chủ cửa hàng chấp thuận bảo hành trong một thời gian nhất định.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Vũ đã phải cúi đầu khai nhận hành trình buôn lậu của mình. Vũ cho biết, sau khi bay sang Hồng Kông, Vũ thu gom máy ảnh và máy quay phim các loại, sau đó đóng vào va ly hoặc thùng hàng loại lớn vận chuyển ra sân bay đưa thẳng về Việt Nam. Như đã được thỏa thuận từ trước, Vũ đến thẳng bàn làm việc của Hải quan và chi tiền từng chuyến cho cán bộ kiểm hóa để hàng hóa dễ dàng lọt qua cửa khẩu mà chẳng cần mở tờ khai hành lý. Trong chuyến hàng vừa bị bắt chiều 10/1, Vũ khai đã phải chi 1.600 USD cho 3 cán bộ Hải quan để những cán bộ này làm lơ cho 7 kiện hàng lậu.

Ngoài ra, máy ảnh, máy quay phim được Vũ gửi theo đường chuyển phát nhanh từ Hồng Kông về các địa chỉ là thân nhân của Vũ tại Tp.HCM rồi chạy thẳng về các cửa hàng của Vũ. Vì vậy, Nguyễn Thanh Vũ sớm trở thành một "đại gia" độc chiếm phần lớn thị trường cung cấp máy ảnh, máy quay phim kỹ thuật số cho thị trường Tp.HCM và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cũng chính con đường buôn lậu này đã từng làm khốn đốn nhiều đại lý chính thức của các hãng máy ảnh, máy quay phim nổi tiếng tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện vụ án vẫn đang được mở rộng điều tra

Đức Cương
.
.
.