Tránh xa những hoạt động thương mại điện tử không lành mạnh

Thứ Ba, 31/07/2012, 12:08
Trước hiện tượng kinh doanh kiểu MB24, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp, người tiêu dùng, báo chí và các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp thông tin về các hội viên của Hiệp hội có dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh và vi phạm Điều lệ của Hiệp hội. Nhưng thiết nghĩ, trước khi chờ các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý các doanh nghiệp hoạt động chưa đúng thì chính người dân phải có ý thức bảo vệ mình.

Báo CAND đăng bài "Làm rõ hành vi lôi kéo hội viên nhằm hưởng lợi”, phản ánh hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến - muaban24.vn (MB24) có dấu hiệu kinh doanh thiếu minh bạch. Ngay sau đó, nhiều thông tin liên quan đến công ty này đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo dư luận khá ồn ào về hoạt động thương mại điện tử. Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã khai trừ MB24 ra khỏi Hiệp hội.

Kinh doanh đa cấp biến tướng

Suốt thời gian dài trước đây, có hàng nghìn, hàng vạn khách hàng được lôi kéo vào mạng lưới kinh doanh của MB24 dưới hình thức mua gian hàng điện tử. Tại trụ sở chính của MB24 tại Lô 4, C8, Mỹ Đình1, huyện Từ Liêm, Hà Nội luôn có đông khách đến giao dịch, tham gia các khóa “đào tạo”.

Chỉ cần ngồi tại quán nước vỉa hè, khách sẽ được các hội viên tiếp cận, giới thiệu về mô hình kinh doanh “đầu tư 5,2 triệu đồng, thu 100 triệu đồng/tháng”. Theo phản ánh của bạn đọc tới Báo CAND, mặc dù MB24 không phải là doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng lại sử dụng mô hình hoạt động kiểu đa cấp để mở rộng mạng lưới hội viên.

Hội viên đóng 5,2 triệu đồng cho công ty và công ty chuyển số tiền này thành số điểm tương ứng với 5.200 điểm và chuyển điểm này vào gian hàng của hội viên. Hội viên sẽ dùng số điểm này để nâng cấp gian hàng. Các gian hàng sẽ sắp xếp theo mô hình nhị phân. Nếu hội viên tuyển được thêm một người tham gia sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng… và khi thành VIP sẽ có thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

Quá trình tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo CAND cũng được lôi kéo làm thành viên với những lời hứa lợi nhuận hấp dẫn, chủ yếu là để được hưởng hoa hồng từ hội viên chứ mục đích chính không phải là thu lợi từ bán hàng.

Từ cách lôi kéo thành viên theo mạng lưới kiểu đa cấp, MB24 đã có một mạng lưới hội viên rộng khắp từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, từ Hà Nội đến Thái Bình, Thái Nguyên, Buôn Ma Thuột, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Quảng Ninh… Hội viên có đủ các thành phần, từ trí thức, người lao động cho đến cả nông dân…

Vỉa hè trước trụ sở của MB24 ở Mỹ Đình (Hà Nội) luôn có đông hội viên. (Ảnh chụp tháng 3/2012).

Mới có hơn một năm hoạt động, MB24 đã có tới vài chục ngàn hội viên và rất nhiều chương trình đào tạo. 10 giảng viên tại trụ sở chính cộng với 42 chi nhánh của công ty ở các tỉnh, thành đều có ban đào tạo (3 người một ban) hàng ngày truyền đạt cho hội viên các “kỹ năng mềm” với các buổi dạy như: “kỹ năng bán hàng”, “Tại sao bạn chọn MB24?”…

Dư luận liên quan đến MB 24 trở nên nóng hơn bao giờ hết khi có một số nông dân nghèo ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk lên tiếng đòi MB24 trả tiền mà họ đã mua gian hàng điện tử của Muaban24 như anh Dương Hoàng Cường, ông Chu Văn Khang, anh Nông Văn Thế, chị Trần Thị Dung… tham gia vào MB24.

Trước đó, chính quyền huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã tìm hiểu và lường trước nguy cơ hoạt động của MB24 ảnh hưởng đến kinh tế của bà con địa phương nên đã có cảnh báo cán bộ và nhân dân trên địa bàn không giao dịch với công ty này khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt về thương mại điện tử (TMĐT).

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) và ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc MB24 cho biết: Mục đích chính của doanh nghiệp là xây dựng chợ thương mại. Chợ này khác với chợ truyền thống. Chiến lược của chúng tôi là mời người mua đến, hướng dẫn họ mua để họ tập mua. Cách hoạt động của công ty là mời khách hàng tham gia miễn phí (tất nhiên quyền lợi không nhiều bằng việc đóng phí). Nếu khách hàng muốn giao dịch thì phải đổi tiền ra điểm để giao dịch. Khi khách hàng kích hoạt thành hội viên thì các hội viên đi trước sẽ được chia điểm.

Mặc dù vậy, khi phóng viên trực tiếp làm người đến đăng ký tham gia miễn phí tại trụ sở thì nhận được sự từ chối thẳng thừng của nhân viên MB24 tại trụ sở chính. Tóm lại, muốn làm hội viên của BM24 thì phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua một gian hàng trên trang web muaban24.vn. Nếu không tiếp tục tham gia thì hội viên sẽ mất gian hàng này, đồng nghĩa với mất khoản tiền 5,2 triệu đồng. Hoạt động dưới danh nghĩa TMĐT, MB24 đã gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động TMĐT khác.

Xây dựng hành lang pháp lý để tránh lợi dụng danh nghĩa TMĐT

Về hoạt động của MB24, trả lời phỏng vấn Báo CAND chiều 30/7, ông Cát Văn Khôi, Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Sau một năm MB24 là hội viên của VECOM, Hiệp hội nhận định mô hình kinh doanh thương mại điện tử của doanh nghiệp này chưa hiệu quả, gây tổn hại tới uy tín của Hiệp hội nên đã quyết định chấm dứt tư cách hội viên này. Nếu khảo sát hoạt động của MB24 trên website www.muaban24.vn có thể thấy quy mô giao dịch trực tuyến hầu như không đáng kể so với những sàn thương mại điện tử uy tín khác ở Việt Nam”.

Nói về quy định pháp lý trong hoạt động thương mại điện tử hiện nay, ông Khôi cũng cho biết: “Thương mại điện tử là một lĩnh vực mới và phát triển khá nhanh, vì vậy Nghị định về TMĐT ban hành từ năm 2006 có thể chưa bao quát đầy đủ thực tiễn kinh doanh trực tuyến. Năm 2012, Bộ Công thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định mới về TMĐT. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định hiện hành. Hiện nay, Bộ Công thương đã công bố dự thảo Nghị định này trên website của Bộ để xin ý kiến rộng rãi. VECOM đã giới thiệu Nghị định này trên website của Hiệp hội và đề nghị các hội viên tích cực góp ý. Căn cứ theo nghị định, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi lợi dụng danh nghĩa TMĐT để kinh doanh không lành mạnh”.

Trước hiện tượng kinh doanh kiểu MB24, VECOM cũng đề nghị các doanh nghiệp, người tiêu dùng, báo chí và các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp thông tin về các hội viên của VECOM có dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh và vi phạm Điều lệ của Hiệp hội. Nhưng thiết nghĩ, trước khi chờ các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý các doanh nghiệp hoạt động chưa đúng thì chính người dân phải có ý thức bảo vệ mình. Trước khi tham gia kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh TMĐT, nếu người dân chưa có hiểu biết nhiều về lĩnh vực này thì phải tìm hiểu kỹ lưỡng quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia

Nhóm PVPL
.
.
.