Tranh giành nguyên liệu mía tại Gia Lai và Bình Định

Thứ Ba, 18/01/2005, 11:30
Công ty Đường Bình Định về tận An Khê, Gia Lai thu mua mía với giá cao hơn giá thu mua của Nhà máy Đường An Khê đóng tại địa phương. Còn tại Bình Định, bà con trồng mía lại không chịu bán nguyên liệu cho Công ty Đường Bình Định.

Chị Nguyễn Thị Kim, ở thôn Cửu Đạo, xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai, một chủ đại lý nhận đầu tư của các nhà máy đường và thu mua mía của nông dân cho biết, giá mua của Công ty Đường Bình Định là 240.000 đồng/tấn và hỗ trợ tiền vận chuyển 60.000 đồng/tấn, trong khi đó Nhà máy Đường An Khê mua 240.000 đồng/tấn và hỗ trợ vận chuyển chỉ 33.000 đồng/tấn nên đại lý của chị cho hàng về Bình Định bán nhiều hơn.

Ông Hà Quận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạnh, Bình Định cũng xác định: "Chuyện tranh giành mua nguyên liệu mía giữa các nhà máy đường là có xảy ra ở địa phương. Chính quyền xã đã tiến hành vận động, giải thích cho bà con nhân dân ở địa phương hiểu và khuyên bà con nên có trách nhiệm và nghĩa vụ với quê hương (nên bán mía cho Công ty Đường Bình Định)"…

Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, ông Nguyễn Tấn Cương và Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nguyễn Hữu Đức đều than thở rằng, Công ty Đường Bình Định đã tranh giành vùng nguyên liệu mía ở An Khê, hỗ trợ giá vận chuyển cao để các đại lý tuồn mía về Bình Định, khiến cho các hộ nông dân phá vỡ hợp đồng đã ký kết bán nguyên liệu cho Nhà máy Đường An Khê.

Ngày 11/1, lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê và Công ty Đường Bình Định và có ý kiến chỉ đạo hai đơn vị mía đường Bình Định và Gia Lai phải thực hiện nghiêm túc nội dung của Nghị định 80/2002-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Hai đơn vị phải thống nhất giá thu mua nguyên liệu mía phù hợp giữa 2 vùng theo giá thị trường, chấm dứt tình trạng tranh chấp về giá, gây thiệt hại cho nhà máy và người nông dân…

Tuy nhiên, hiện tại vấn đề này vẫn chưa được giải quyết

Ngọc Như
.
.
.