Tránh "chiếc bẫy" thu nhập trung bình và hội nhập quốc tế

Thứ Bảy, 14/05/2016, 10:23
Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra tại Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề "Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng" vừa được công bố ngày 10-5 tại Hà Nội.

Đây là lần thứ 8 báo cáo thường niên được đưa ra với những nhận định cụ thể về kinh tế Việt Nam. Theo đó, báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp và ở mức 6,5% cho những điều kiện thuận lợi hơn.

Báo cáo nhận định rằng, để có thể đạt được mức tăng trưởng trên 6,5%, phải dựa vào nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ mới. Điều này sẽ kích thích người tiêu dùng với tâm lý mua sắm nhiều hơn cũng như niềm tin của nhà đầu tư cho một nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong năm 2016, khả năng này có lẽ là rất thấp.

Cần thiết lập những nền tảng mới cho tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức cao trong năm 2015 nhờ động lực từ khu vực sản xuất công nghiệp, mặt bằng giá thấp. Đánh giá về năm 2016, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng rất khó để đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu và khó vượt quá mức 6,5%. Đồng thời, áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn do chính sách tiền tệ nới lỏng và việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ công.

Theo đó, dự báo lạm phát năm 2016 có thể ở mức 5% cho mức cao và ở mức 4,2% cho những điều kiện thấp hơn. Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm 2016 có thể có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh, như thị trường nguyên liệu dầu thô thế giới (giá dầu ngừng giảm và có thể tăng nhẹ), biến đổi khí hậu, các yếu tố nội sinh như chính sách tiền của ngân hàng Nhà nước và biến động tổng cầu, không loại trừ mức lạm phát năm 2016 sẽ đạt 5,2%, vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ.

“Một thông tin tích cực là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, rất đáng mừng. Đó là đề cao doanh nghiệp, cải cách môi trường kinh doanh, xây dựng chính phủ liêm chính, đã mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế” - TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

Do vậy, theo VEPR, để có định hướng chung và dài hạn, cần mô hình xây dựng chính sách kiểu mới, đi liền với cải cách hệ thống hành chính công, kết nối Liên Bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mới của Việt Nam, đưa đất nước tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và bẫy hội nhập quốc tế.

Theo đó, mô hình này yêu cầu Việt Nam cần một cơ chế lãnh đạo mạnh, có tầm nhìn, được hỗ trợ bởi các cấp quản lý có năng lực, một hội đồng cạnh tranh làm việc có hiệu quả, và có thể khai thác tốt nhất các chính sách cam kết kinh tế quốc tế từ các FTA. Với 27 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016- 2020 được VEPR đưa ra, thì các kịch bản có khả năng cao xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khuynh hướng ở quanh mức 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 6,5-7%.

Theo đó, nhận định này cũng nhất quán với dự báo của IMF (2016) cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Điều này đưa tới một hàm ý rất đáng lưu tâm là Việt Nam không thể dựa trên các điều kiện cũ để tăng trưởng kinh tế, mà cần thiết lập những nền tảng mới cho tăng trưởng – TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Báo cáo cũng đặt ra những vấn đề Việt Nam cần lưu ý, trong đó có sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc đề xuất vào năm 2013. Điều này xây dựng những tuyến đường và những kết nối hiệu quả với Trung Quốc, để có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh mới đối với đất nước này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng, nếu không tham gia và có thể lãng quên đề xuất này, thì Việt Nam có thể tự mình rơi vào bẫy cơ sở hạ tầng.

Ngược lại, nếu tham gia và không đa dạng hóa các nhà đầu tư thì Việt Nam có thể rơi vào bẫy liên quan đến nợ công.

Để tránh bẫy cơ sở hạ tầng, báo cáo đề xuất Việt Nam cần tăng cường các kết nối cơ sở hạ tầng Đông – Tây với ASEAN, ưu tiên trục giao thông Thái Lan- Campuchia- Tây Ninh- Sài Gòn- Vũng Tàu để phát huy lợi thế cụm cảng nước sâu Cái Mép- Thị Vải. Nguồn vốn cần được đa dạng hoá và tranh thủ mối quan tâm chiến lược của các nhà tài trợ quốc tế.

Hiệp Hân
.
.
.