Tràn lan đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc
Đây là kết quả đấu tranh ban đầu của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường khi thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tấn công hàng lậu
Sáng thứ hai, ngày 6/1, tôi có mặt tại Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (CSMT) cũng đúng lúc, các chiến sỹ đang làm báo cáo sơ bộ về vụ việc bắt hơn 1 tấn nội tạng bẩn đêm 5/1. Đại tá Phạm Văn Bình, Trưởng phòng cho biết, trong đợt cao điểm này, anh em không có ngày nghỉ. Để bắt được vụ vận chuyển hơn 1 tấn nội tạng bẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội đêm hôm trước, anh em trinh sát đã “quên” luôn mấy ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để đeo bám. Không chỉ đeo bám và “đánh án” ở địa bàn Thủ đô, cán bộ của đơn vị còn có mặt tại vùng biên.
Chập tối 4/1, tại TP Móng Cái, các anh đã kiểm tra, bắt giữ 1,6 tấn hải sản các loại. Ếch, cá quả, cá tầm vẫn còn bơi, chỉ có cá trắm là chủ hàng cho ướp đông. Nếu không được phát hiện, số thủy sản này sẽ được vận chuyển về TP Hạ Long rồi theo quốc lộ 18 về chợ đầu mối Hà Nội. Khi đó, nó sẽ được chia nhỏ để trà trộn với thủy sản trong nước. Rất có thể, khi đến tay người tiêu dùng sẽ được quảng cáo là cá sông, ếch đồng...
Hô biến nguồn gốc nhập lậu hoặc “đánh lận con đen” là những thủ đoạn mà bọn buôn bán phi pháp đang thực hiện. Điển hình phải kể đến vụ bắt giữ 3 xe hàng vào đêm Noel mà Phòng 6 thực hiện. Nguồn gốc số hàng gồm bánh kẹo, ô mai, sữa, kem dưỡng da, sáp nẻ, rượu Chivas, Ballantine... đã được các đối tượng “khéo léo” thay đổi bằng việc đổi hướng vận chuyển. Số hàng này có xuất xứ ở bên kia biên giới, nhập lậu vào Việt Nam qua Móng Cái. Thế nhưng, từ Móng Cái các đối tượng không đi thẳng về Hà Nội mà cho quá giang xuống Hải Phòng. Từ Hải Phòng, số hàng này chuyển về Hà Nội. Nếu thành công, chúng “lừa” được người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng chống hàng lậu.
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị Cảnh sát môi trường bắt giữ. |
Hai ngày sau Noel, cùng với các lực lượng chức năng của Hà Nội, Cục CSMT Công an đã tiến hành kiểm tra hai kho hàng với số lượng mấy chục tấn tại xóm 9, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khi những kho hàng này bung ra, ai cũng “hoa mắt” trước những sản phẩm màu sắc và trên toàn chữ Trung Quốc. Đủ các chủng loại gồm: Hạt dẻ cười, mứt, nho khô, táo, đồ chơi, bánh kẹo, miếng dán, đĩa đồ chơi trẻ em... Các sản phẩm có trong kho hàng này đa dạng không khác gì trong siêu thị, chỉ khác là chúng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo đồng chí Phạm Văn Bình, để “bóc dỡ” được hai kho hàng “khủng” này, anh em trinh sát phải có quá trình điều tra, xác minh rất công phu. Đây là nơi tập kết hàng lậu được vận chuyển từ các cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái về. Sau đó, sẽ được vận chuyển theo yêu cầu của các điểm tiêu thụ ở Hà Nội và các điểm lân cận. Việc cơ quan chức năng lật tung kho hàng lậu này cho thấy, trên thị trường vẫn có “đất sống” cho hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Vì lợi nhuận, các đầu nậu bất chấp mọi thủ đoạn để vận chuyển bằng được vào nội địa và đưa đi tiêu thụ.
Cần chống thực phẩm “bẩn” giống chống gia cầm nhập lậu
Trên thị trường hiện nay, gà thải loại Trung Quốc hầu như không còn chỗ đứng. Đây là kết quả của việc thực hiện Đề án 2088 về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, gia cầm nhập khẩu trái phép của Chính phủ. Các ngành chức năng, các địa phương vào cuộc quyết liệt, cộng với sự ủng hộ của người tiêu dùng đã “bóp chết” gia cầm nhập lậu. Trước đây, vì lợi nhuận quá lớn nên đối tượng buôn lậu đã vận chuyển gia cầm vào nội địa bằng mọi cách kể cả việc biến những chiếc xe con 4 chỗ sang trọng thành chuồng gà di động. Nói về việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, Đại tá Phạm Văn Bình cho rằng, cần phải có chiến dịch giống như chống gia cầm nhập lậu.
Hiện nay, trên thị trường, những sản phẩm bánh kẹo, thức ăn không rõ nguồn gốc vẫn có chỗ đứng. Nhìn gói kẹo que xốp mà các chiến sỹ CSMT thu giữ trong vụ kiểm tra kho hàng ở xóm 9, xã Ninh Hiệp mới đây, tôi thấy nó giống y chang thứ mà mấy bà bán hàng rong bày trên mẹt trước cổng trường con mình học. Trẻ em chưa có đủ kinh nghiệm để phân biệt chất lượng tốt, xấu mà ăn quà theo trào lưu. Việc bố mẹ cho tiền tiêu vặt, cộng với việc mua bán thuận tiện đã khiến các em ăn phải thứ đồ ăn không đảm bảo chất lượng. Còn tại các chợ, bánh kẹo cân với không đóng gói, không nhãn mác cũng bán tràn lan. Ô mai, xí muội, mứt các loại thì mua bao nhiêu cũng có. Rượu ngoại cũng là mặt hàng được ưa chuộng trong dịp Tết nhưng từ kết quả đấu tranh của cơ quan Công an cũng cho thấy, loại rượu lậu này cũng có trên thị trường.
Càng gần Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng mạnh. Thế nhưng, nhìn vào các vụ vận chuyển nội tạng bẩn mà cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ gần đây khiến người ta phát sợ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng, Đội phó Đội 4, Phòng CSMT Bắc Giang cho biết, có nhiều vụ bắt giữ nội tạng, anh em phải dùng búa để đập tang vật vì bị làm đông cứng, còn màu sắc thì... không có gì đảm bảo là tươi ngon cả. Nếu như người tiêu dùng nói không với loại thực phẩm này, người bán hàng từ chối “nhập” loại hàng này thì chắc chắn, thực phẩm bẩn không thể tiêu thụ được. Khi không có đầu ra, bọn buôn gian, bán lận chẳng thể nào đưa loại thực phẩm này về nước tiêu thụ.
Để đảm bảo an toàn cho chính mình, người tiêu dùng cần có cách lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm và kịp thời tuyên truyền để người dân hiểu và tẩy chay những sản phẩm không đảm bảo chất lượng