Tràn lan 'đặc sản' giả mạo xuất xứ

Chủ Nhật, 17/08/2014, 13:33
Nhiều sản phẩm Việt có thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được thị trường quốc tế ưa chuộng và bảo hộ xuất xứ địa lý. Tuy nhiên, việc kiểm soát chưa chặt chẽ nên các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng đã bị làm giả, nhái, thậm chí bị hàng Trung Quốc “đánh tráo” nhãn hiệu, đang bán tràn lan trên thị trường TP Hồ Chí Minh...

Nước mắm Phú Quốc - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đã được Liên minh châu Âu (EU) công nhận và bảo hộ xuất xứ địa lý. Theo đó, sản phẩm  này được bảo hộ trên toàn lãnh thổ của 28 quốc gia thành viên của EU, là điều kiện rất thuận lợi giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường EU. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, theo ghi nhận của chúng tôi thì sản phẩm nước mắm Phú Quốc thật – giả lẫn lộn, rất khó phân biệt được bày bán tràn lan tại các chợ, cửa hàng tạp hóa và kể cả siêu thị. 

Theo đại diện Hội nước mắm Phú Quốc, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 180-200 triệu lít nước mắm Phú Quốc, trong khi đó năng lực sản xuất cung ứng ra thị trường đối với sản phẩm nước mắm Phú Quốc chính hiệu chỉ đạt khoảng 20-25 triệu lít/năm. Còn với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (đã được công nhận có chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài) hiện cũng đang bị các đối tượng kinh doanh “chiếm dụng” tràn lan. Theo ghi nhận của chúng tôi tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, có rất  nhiều điểm kinh doanh cà phê hạt, điểm rang xay cà phê, quán cà phê... đã ngang nhiên sử dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột để giới thiệu và bán sản phẩm của mình. Cũng chính vì giá rẻ hơn giá của cà phê Buôn Ma Thuột chính hiệu, trong khi NTD chưa có thông tin rõ ràng nên các sản phẩm giả vẫn được tiêu thụ mạnh trên thị trường...

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua các hàng đặc sản.

Các loại “đặc sản” đặc trưng của từng vùng miền hiện cũng đang bị nhiều đối tượng gian lận “khai thác” một cách triệt để. Phần lớn tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Nhiều nhất là hàng nông sản như: Các loại bơ giả mạo đặc sản bơ Đà Lạt, bơ Đắk Lắk; nho Trung Quốc “đội lột” nho Ninh Thuận; cam, quýt Trung Quốc “biến thành” cam Vinh, quýt hồng Lai Vung (huyện Lai Vung - Đồng Tháp)… bán ở các vỉa hè, xe đẩy. Mới đây, Bộ Công thương cũng thông tin là hiện có nhiều loại hoa quả tươi (mận, đào, ổi, hồng...) có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bán tại Hà Nội được giới thiệu là đặc sản Việt Nam.

Do đó, Bộ Công thương có công văn yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phải chỉ đạo Chi cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành điều tra, xác minh qua các khâu, cho đến đối tượng đầu tiên cung cấp hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Như vậy, có thể thấy, đặc sản giả mạo hiện đang bán tràn lan trên thị trường nhưng chưa có một chế tài nào để ngăn chặn từ cơ quan chức năng. Thiệt hại không những NTD lãnh đủ mà hình ảnh thương hiệu đặc sản của từng vùng miền, thương hiệu quốc gia… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Thúy Hà
.
.
.