Trách nhiệm của những người kinh doanh tiền

Thứ Tư, 15/08/2012, 15:15
Để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, những kẻ lừa đảo có sự câu kết với những người làm nhiệm vụ kinh doanh tiền ở các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhưng việc kiểm tra, giám sát và bóc tách xử lý những “con sâu” tiền tệ này thật không đơn giản chút nào. Đây cũng là một hiểm họa làm lũng đoạn nền kinh tế, tiếp tay tham nhũng cần phải được chẩn trị đúng bệnh để phòng ngừa xa.

Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều vụ bể nợ, lừa đảo, chiếm dụng vốn với số tiền lớn xảy ra giữa các cá nhân, doanh nghiệp với ngân hàng, gây bức xúc dư luận, khiến người dân bất bình.

Điểm mặt những vụ chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng xảy ra gần đây như Phạm Hải Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thương mại Thái Sơn; Dương Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sắt thép Thanh Sơn; Phạm Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thương mại Thái Sơn, đã bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan CSĐT xác định bước đầu, có tới 13 tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng cho doanh nghiệp này vay gần 750 tỉ đồng và 530.000 USD.

Trước đó, cơ quan CSĐT Công an các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk... cũng đã từng bước làm rõ những “phi vụ” vay vốn ưu đãi ở các ngân hàng với số tiền lớn, trong đó nhiều nhất là ở Ngân hàng Phát triển. Lần lượt các “đại gia” như Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ ở Ninh Thuận; Phan Thành Chính, Giám đốc Công ty TNHH Công Chính ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng; Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật, Cao Bạch Mai ở Đắk Nông... đều bị bắt tạm giam để điều tra xử lý theo pháp luật.

Tìm hiểu sâu thêm vấn đề rút vốn, Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ, lợi dụng chính sách kích cầu của Chính phủ, đã chỉ đạo lập hàng chục hợp đồng kinh doanh ảo để vay trên 200 tỷ đồng từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng để trục lợi.

Cũng bằng thủ đoạn làm giả hồ sơ rút vốn ngân hàng, Phan Thành Chính, Giám đốc Công ty TNHH Công Chính ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng câu kết với 8 đối tượng khác, trong đó có 4 cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ giả, lập kho nguyên liệu giả... nhằm rút hơn 1.000 tỷ đồng của một số ngân hàng tại tỉnh Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh, trong đó mất khả năng thanh toán khoảng 500 tỷ đồng.

Hay vụ sai phạm xảy ra ở Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC II), thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã câu kết với cấp dưới và người ngoài ký kết 10 hợp đồng cho thuê tài chính khống để rút 785 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 523 tỉ đồng. Trong đó chưa kể việc cho vay đối với 6 nhóm khách hàng gây tổn thất 1.846 tỉ đồng... Trong tầm ngắm của cơ quan chức năng hiện còn khá nhiều doanh nghiệp làm ăn phi pháp với mục đích chủ yếu là tìm cách rút vốn ngân hàng để chi tiêu cá nhân, mang vỏ bọc “đại gia”, “doanh nhân”...

Tuy nhiên, rõ ràng ai cũng nhận thấy là để làm được điều này, các đối tượng đều có sự câu kết với những người làm nhiệm vụ kinh doanh tiền ở các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhưng việc kiểm tra, giám sát và bóc tách xử lý những “con sâu” tiền tệ này thật không đơn giản chút nào. Đây cũng là một hiểm họa làm lũng đoạn nền kinh tế, tiếp tay tham nhũng cần phải được chẩn trị đúng bệnh để phòng ngừa xa

Ngọc Như
.
.
.