Tôn giả, tôn kém chất lượng vẫn hoành hành
Trong vai những người mua tôn, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát tại một số tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam. Không khó để tìm ra tôn giả nhãn hiệu ở đây, miễn là đơn hàng đủ lớn, thì muốn hàng nào cũng có hàng đó. Nếu hỏi mua lẻ, các cửa hàng tôn đều khẳng định bán hàng chính hiệu, nhưng nếu khách mua có nhu cầu làm đại lý, thì yêu cầu tôn nhái nhãn hiệu gì cũng được đáp ứng, với giá rẻ hơn chính hãng cả chục phần trăm.
Nguyên nhân bởi việc làm nhái rất đơn giản, không phải đầu tư máy móc gì cầu kỳ. Theo nguồn tin của chúng tôi, một đại lý ở khu vực Cầu Họ (Mỹ Lộc, Nam Định), khi được trao đổi, sẵn sàng làm đầu mối cung cấp hàng nhái với danh sách 5, 6 loại tôn phổ biến trên thị trường như tôn Thăng Long, tôn Đại Thiên Lộc, tôn Việt Hàn, tôn Trung Nguyên… với giá rẻ hơn chính hãng khoảng 10.000 đồng/m.
Thậm chí, cửa hàng này còn làm một báo giá cả 2 loại tôn chính hãng và tôn nhái được ghi dưới tiêu đề “đơn giá hàng thiếu” để khách hàng dễ lựa chọn. Tình trạng tương tự cũng có thể tìm thấy ở các cửa hàng quanh khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) vì “tiện” lấy từ nguồn cung hàng nhái ngay tại khu công nghiệp này. Càng những thương hiệu lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng như Hoa Sen càng dễ bị các đối tượng làm giả hướng tới.
Coi thường hiểu biết của người tiêu dùng, một số cửa hàng còn lừa trắng trợn như khách hàng hỏi mua một đằng, bán hàng một nẻo, hỏi mua tôn Đông Á 0,45mm thì được cắt tôn Việt Hàn 0,34mm. Tại một cửa hàng ở phường Ninh Xá (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), tôn độ dày 0,45mm mà chúng tôi đặt mua khi lật ngay đằng sau lên chỉ in là 0,4mm. Khi đo bằng thiết bị tiêu chuẩn, tấm tôn này thực chất chỉ dày 0,34mm, tức là khách hàng bị gian lận đến 25%. Một tấm tôn khác được mua tại Công ty “S.T.” có địa chỉ tại xã Cao Minh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cũng gặp tình trạng tương tự, chỉ dày 0,34mm trong khi chúng tôi đặt mua tôn 0,45mm. Nhãn hiệu được in trên tấm tôn cũng rất mờ, chứ không rõ nét như thường thấy ở tôn chính hãng.
Thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay vẫn là nhập tôn Trung Quốc về in giả nhãn hiệu hoặc “đôn dem”, tức là bán tôn mỏng hơn cho người tiêu dùng. Đây là các loại sản phẩm rất đặc thù, nếu nhìn bằng mắt thường, tôn các nhãn hiệu thường có vẻ bề ngoài giống nhau, và độ dày chênh lệch đến 0,05mm là rất khó phân biệt nếu không có dụng cụ chuyên dụng. Bởi vậy, các cửa hàng rất ung dung trục lợi từ khách hàng nhiều năm nay mà không lo bị phát hiện, thậm chí còn được tiếng bán rẻ. Tính toán đơn giản, nếu bán loại tôn 0,3mm thực chất chỉ có giá 61.000 đồng/m2 thành loại 0,4mm có giá 77.000 đồng/m2, cửa hàng dễ dàng trục lợi được 16.000 đồng.
Đặt mua tôn 0,45mm, nhưng thực chất khách hàng chỉ được giao tôn 0,34mm. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Đội cơ động chống hàng giả), Chi cục Quản lý thị trường cho biết đúng là rất khó để người tiêu dùng thông thường phân biệt hàng thật, hàng giả. Chưa kể đến người tiêu dùng nói chung còn hiểu biết rất thô sơ về mặt hàng này, chưa ý thức được mức độ phức tạp về hàng giả, hàng nhái để cảnh giác, kiểm tra hàng kỹ trước khi mua.
Ông Nghĩa cũng cho biết, nhãn mác giả không phải dập bằng máy móc gì ghê gớm, mà chỉ là một thiết bị như dạng con lăn, nhoằng một cái có thể đóng mác bất cứ nhãn hiệu nào. Các nhãn mác này thường nhoè, không sắc nét và có thể dùng dung môi xoá dễ dàng. Năm 2014, Đội Quản lý thị trường số 14, đã từng tiến hành kiểm tra và bắt được một số cửa hàng bán tôn giả như Công ty TNHH Ngọc Dần (KCN Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), phát hiện 5 mẫu tôn có dấu hiệu định lượng sai so với định lượng đã công bố. Tại Công ty TNHH cơ khí và thương mại Lan Sáu (ngõ 176 Định Công, quận Hoàng Mai), có nhiều sản phẩm tôn không phù hợp với độ dày trên tờ khai.
Công ty TNHH Mỹ Hoa (KCN Lai Xá, huyện Hoài Đức) có số lượng lớn tôn nguyên liệu và tôn thành phẩm không đạt chuẩn như ghi trên sản phẩm và trên giấy tờ. Công ty TNHH Mỹ Hoa nhập thép cuộn của Trung Quốc rồi cán thành tôn lợp, sau đó bán ra thị trường. Trên bao bì và nhãn gốc đều thể hiện độ dày của sản phẩm là 0,35mm, nhưng trên thực tế độ dày của tôn chỉ đạt 0,22mm, tức chưa đạt 70%...
Thông thường, khi khách hàng yêu cầu mua tôn lợp có độ dày 0.35mm, giá khoảng 80.000 đồng/m, để cạnh tranh với tôn chính hãng chất lượng cao, các cơ sở sản xuất tôn sẽ báo giá 75.000 đồng/m, nhưng giao hàng tôn chỉ có độ dày 0.30mm. Đây là hình thức lừa dối khá phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh tôn hiện nay. Theo tính toán, một cuộn tôn dài 2.000m, giảm độ dày 0,0mm, thì mỗi mét tôn sẽ có lãi gần 13.000 đồng, nếu tính giảm giá cho khách 5.000 đồng/m, vẫn lãi 8.000 đồng/m, cả cuộn 2.000m sẽ có lãi 16 triệu đồng. Hành vi này không chỉ gây hại cho người tiêu dùng (vì tôn giả khả năng chịu lực, độ bền đều kém hơn) mà còn gây thiệt hại cho nền sản xuất trong nước mỗi năm cả nghìn tỷ đồng. |