Tình trạng lấn chiếm đất công càng gia tăng

Thứ Hai, 24/11/2008, 17:15
Thời điểm trước tháng 3/2008, tình trạng lấn chiếm đất công tại Hà Tây càng gia tăng. Riêng xã Phú Lương đã có thêm 52 trường hợp vi phạm với quỹ đất bị chiếm khá lớn.

>> Bán biệt thự của DN khác, chiếm giữ hàng trăm tỷ đồng

Tình trạng rao bán đất lấn chiếm, đất không rõ nguồn gốc xung quanh các dự án khu vực Hà Nội mở rộng gần đây khá phức tạp. Lợi dụng chủ trương cấp đất dịch vụ cho những người dân giao đất cho dự án UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) đã thực hiện, nhiều đối tượng núp dưới bóng văn phòng nhà đất đã trục lợi cả chục tỷ đồng. Thực chất của hành vi này là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng của khách hàng cần phải được ngăn chặn.

Hiện tượng trên không chỉ dừng ở một số trường hợp tự xưng là đại diện cho khách hàng bán biệt thự trong khu đô thị Dương Nội, chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng của người dân như Báo CAND phản ánh.

Chị Lê Thị Liên (quê Thanh Liêm, Hà Nam) qua giới thiệu đã mua một lô đất dịch vụ tại Hà Đông để dựng nhà cho con đang làm tại Hà Nội. Tiền đã trao theo giá 12 triệu đồng/m2, nhưng sau gần 2 năm vẫn chưa thấy đất đâu. Chị tìm hiểu mới biết, đúng là có đất dịch vụ tỉnh Hà Tây (trước đây) trả cho người có tên trong hợp đồng chuyển nhượng. Nhưng đến nay hình hài lô đất đó ra sao chưa thể biết vì việc quy hoạch, làm hạ tầng khu đất dịch vụ... chưa xong. Trong khi đó, số tiền cả trăm triệu của chị thì công ty môi giới đã chiếm dụng từ lâu.

Liên quan đến tình trạng này, Đoàn Thanh tra của thành phố Hà Đông đã làm rõ gần trăm ha đất nông nghiệp bị lấn chiếm trái phép, dựng nhà xưởng trái pháp luật xung quanh các dự án. Tại xã Phú Lương, riêng các thôn đã giao đất trái thẩm quyền cho hơn 100 hộ dân với diện tích 10.000 m2. Từ 1993 đến 2003 đã có 1064 hộ vi phạm đất nông nghiệp, chiếm khoảng 15 ha đất trái phép.

Thời điểm trước tháng 3/2008, tình trạng lấn chiếm đất công càng gia tăng. Riêng xã Phú Lương đã có thêm 52 trường hợp vi phạm với quỹ đất bị chiếm khá lớn. Khu vực xã Dương Nội (nơi tập trung nhiều dự án), tình trạng rao bán đất lấn chiếm có phần phức tạp hơn. Nếu như trước 2006, địa bàn này có 1.286 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp, chiếm 12,9 ha, thì chỉ trong 90 ngày (từ tháng 1/2008 đến 4/2008) đã phát sinh 76 trường hợp vi phạm, chiếm 0,51ha đất khu vực quy hoạch đô thị. Trong đó, nhiều trường hợp xây nhà xưởng quy mô khá lớn để nhằm trục lợi qua việc đền bù triển khai các dự án.

Điều nguy hiểm là những mảnh đất lấn chiếm như trên đã được nhiều đối tượng công khai rao bán trong các văn phòng nhà đất. Tiếp cận một văn phòng gần cầu Ngà, ngoài việc rao bán các lô biệt thự, nhà chung cư các đô thị Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Văn Phú, chủ văn phòng giới thiệu bán luôn cả đất gọi là "dịch vụ" mà người dân được cấp. Khi yêu cầu chỉ rõ vị trí, thì được biết đây là khu vực thành phố đang giải tỏa để làm dự án. Chủ văn phòng lúc này mới ờ ờ...nhận là nhầm lẫn. Dĩ nhiên, diện tích, vị trí, quy hoạch các lô đất đó rất tù mù, chỉ là do phía người rao bán đưa ra...

Cần công khai thông tin về đất dịch vụ

Sở dĩ có hiện tượng lợi dụng lừa đảo, bán đất nông nghiệp, đất dịch vụ như trên bởi những thông tin liên quan đến đất dịch vụ mà UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) chủ trương trả cho các hộ dân khi họ có đất giao cho các dự án chưa rõ ràng. Qua tìm hiểu được biết, trước khi sáp nhập, Hà Tây triển khai trên 100 dự án các loại. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ngoài việc đền bù theo quy định, tỉnh đã có chủ trương trả đất dịch vụ cho người dân sử dụng lâu dài để đảm bảo đời sống.

Theo ông Vương Đình Huệ- Phó ban giải phóng mặt bằng Hà Đông, từ quy định này đã có trên 10.000 trường hợp được nhận đất dịch vụ. Riêng khu vực xã Hà Cầu và phường Phúc La đã có 1.000 hộ nhận đất dịch vụ. Tuy nhiên, việc triển khai hạ tầng còn rất chậm, mới hoàn thành phần san lấp, nên đến nay chưa có trường hợp nào được giao đất diện này.

Nguyên nhân chậm giao đất dịch vụ cho dân có lý do khách quan, là sau khi mở rộng Thủ đô, quy định trả đất dịch vụ mà UBND tỉnh Hà Tây ban hành trước đây không còn hiệu lực như trước, chờ chủ trương mới của thành phố. Trong khi thành phố Hà Nội chưa đưa ra chủ trương mới xung quanh loại đất dịch vụ này thì đã có nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo khách hàng chiếm đoạt tài sản qua việc mua bán đất dịch vụ, đất lấn chiếm liền kề các dự án hợp pháp.

Cần phải nói thêm rằng, việc triển khai hạ tầng các khu vực đất dịch vụ trả cho người dân như vậy là quá chậm. Bên cạnh đó, biện pháp xử lý các trường hợp tự ý lấn chiếm đất nông nghiệp cũng chưa dứt điểm, nên còn để xảy ra tình trạng nhập nhèm giữa các loại đất. Để ngăn chặn tình trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội, khu vực Hà Đông cần sớm công khai vị trí, quy hoạch, diện tích từng lô đất, tiêu chuẩn các hộ dân được nhận đất dịch vụ để người dân biết và thực hiện. Qua đó, phát hiện, xử lý các trường hợp lừa đảo khách hàng

Khách Chi
.
.
.