Tín hiệu vui từ nghề khai thác biển ở Sông Đốc

Thứ Hai, 24/01/2011, 13:00
Trong chuyến biển đầu tiên của những ngày đầu năm mới 2011, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trở về đất liền với niềm vui khoang thuyền đầy ắp cá, tôm.

Những ngày này, họ vừa tất bật lo đón Tết cho gia đình, vừa chuẩn bị cho tàu cá tiếp tục ra khơi khai thác đánh bắt và chăm lo cho ngư phủ ăn Tết trên ngư trường. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của ngư dân miền biển Sông Đốc.

Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết, Sông Đốc hiện có đoàn tàu cá trên 1.200 chiếc, trong đó hơn 800 phương tiện có công suất lớn đánh bắt xa bờ, với nghề cào, lưới vây, câu mực là chủ yếu. Sản lượng khai thác trong chuyến biển đầu năm này đạt hơn 5.515 tấn thủy sản các loại, tăng hàng trăm tấn so với chuyến biển đầu năm 2010.

Ngư dân Sông Đốc không những trúng đậm mực, cá, tôm mà còn trúng giá. Bà con phấn khởi chuẩn bị cho chuyến biển tới với kỳ vọng tiếp tục "trúng mùa, trúng giá". Nếu như mực tươi thời điểm cuối năm 2010 và trước đó giá bình quân 50.000 đồng/kg thì hiện nay tăng lên 70.000 đồng/kg; mực khô loại I từ 350.000 đồng/kg tăng lên 450.000 - 500.000 đồng/kg.

Ngư dân Phạm Văn Tâm, khóm 10, thị trấn Sông Đốc - người có gần 40 năm làm nghề biển không giấu được niềm vui khi nói về chuyến ra khơi khai thác đầu tiên trong năm mới: "Sau hơn 20 ngày đánh bắt, sản lượng khai thác được 1 tấn mực và khoảng 15 tấn cá, tôm các loại, trừ tất cả các khoản chi phí, gia đình còn lãi hơn 60 triệu đồng. Số tiền này vừa mua sắm Tết cho gia đình, vừa đầu tư cho phương tiện tiếp tục ra khơi đánh bắt, ngư phủ ăn Tết trên ngư trường".

Theo ông Tâm, phần lớn ngư dân Sông Đốc ra khơi trong chuyến đầu năm đều trúng cá tôm, mỗi tàu lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí, hầu như không ai bị thua lỗ.

Mặc dù ngư dân Sông Đốc khai thác biển hiệu quả trong chuyến biển đầu năm, nhưng các ngư phủ không ở lại nhà vui Xuân, đón Tết cùng gia đình mà tiếp tục ra khơi vừa ăn Tết, vừa đánh bắt trên ngư trường. Hiện có khoảng 80% ngư phủ, tương đương 20.000 người đã theo tàu ra biển và độ mùng 9, mùng 10 tháng Giêng họ mới trở về đất liền. Dẫu vậy, nghề khai thác biển ở Sông Đốc vẫn đang gặp không ít khó khăn trong quy hoạch phát triển ngành nghề. Phần lớn ngư dân ở đây thiếu vốn để nâng công suất tàu thuyền đủ sức vươn ra khơi xa.

Kể từ sau cơn bão số 5, năm 1997, ngư dân miền biển Sông Đốc này không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư khai thác đánh bắt thủy sản. Trong khi đó, phương tiện công suất nhỏ chỉ đánh bắt gần bờ, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt; khi gặp sóng to gió lớn chỉ lo chạy tìm nơi trú ẩn, vừa không khai thác được tôm cá, vừa tiêu hao nhiên liệu và những chi phí khác

Lê Huy Hải
.
.
.