Tín dụng tăng, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không vay được vốn

Thứ Sáu, 04/04/2014, 08:51
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) đã bắt đầu tăng trở lại, điều này đồng nghĩa với vốn chảy vào sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó tiếp cận vốn, nên tín dụng dành cho khối này vẫn tiếp tục giảm.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng tín dụng của ngành NH luôn là tâm điểm và là vấn đề được các nhà kinh tế quan tâm, phân tích, đánh giá, nhận định. Điều này dễ hiểu bởi thực tế ở Việt Nam hiện nay, thị trường vốn chưa phát triển, khả năng đa dạng hóa nguồn vốn huy động của DN còn hạn chế, bởi vậy các doanh nghiệp phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống NH, kể cả nguồn vốn đầu tư trung, dài hạn.

Thời gian qua, khi kinh tế rơi vào khó khăn, chính ngành NH cũng gặp khó khi tăng trưởng thấp, thậm chí nhiều tháng âm, đồng nghĩa với dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh bị bế tắc. Trước thực trạng đó, để tự cứu mình và góp phần vực dậy nền kinh tế, ngành NH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ thị trường như giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống phổ biến mức 9-11%/năm, bằng với mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006; các TCTD tích cực miễn giảm lãi vốn vay, giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ, đến nay, tỷ trọng các khoản cho vay có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 5,6% so với mức 65% trước thời điểm 15/7/2012; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng trên 300.000 tỷ đồng dư nợ; tổ chức nhiều đoàn công tác tới các tỉnh, thành trong cả nước để tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa DN và NH, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại các vùng miền, địa phương...

Hơn 65% Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh.

Với những nỗ lực đó, mặc dù tín dụng tháng 1/2014 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2, nhưng đến tháng 3, tín dụng đã tăng khoảng 1,35% so với tháng 2. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối tháng 1/2014, tín dụng xuất khẩu tăng 1,28%, công nghiệp hỗ trợ tăng 1,73%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng 0,41% so với cuối năm 2013. Đến cuối tháng 2/2014, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 0,15% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, thực tế là tín dụng đối với DNNVV vẫn giảm so với cuối năm 2013 bởi sức hấp thụ vốn của khối DN này thấp, nhiều DN có tình hình tài chính yếu kém, nên không đủ điều kiện vay vốn.

Việt Nam hiện có hơn 90% DNNVV trong tổng số DN đang hoạt động, góp vai trò quan trọng trong tạo việc làm, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đây là nhóm đối tượng hoạt động phụ thuộc rất lớn vào vốn ngân hàng nhưng cũng là nhóm khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng nhất. Theo số liệu, năm 2013, 65,2% DNNVV trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn của NH, tỷ lệ này năm 2012 là 57,3%. Có 34,8% DN không có nhu cầu vay vốn, mà theo họ, nguyên nhân chính là hiện lãi suất vẫn cao, kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi. Cùng với đó, theo ông Đinh Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI), chính các rào cản về thủ tục và các điều kiện được vay vốn đã làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của DN.

Để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, NHNN cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%. Trong 5 giải pháp để tăng trưởng tín dụng, đáng chú ý là giải pháp thực hiện nhân rộng ra một số tỉnh, thành phố khác việc áp dụng mô hình chương trình kết nối NH - DN đã và đang triển khai có hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh, trong đó NHNN chi nhánh phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội ngành nghề ở địa phương chủ động tìm hiểu những khó khăn của DN liên quan đến nhu cầu về vốn, mức lãi suất... Trên cơ sở đó, NHNN chi nhánh thực hiện rà soát, kiểm tra chéo, rà soát nhu cầu vốn thực tế và chỉ đạo các NHTM trên địa bàn chủ động tìm và hỗ trợ tín dụng cho từng nhu cầu cụ thể. Ngoài ra, sẽ triển khai sản phẩm tín dụng cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng bao gồm ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp nhằm gắn kết nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thầu, nhà đầu tư, tạo điều kiện hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần lưu thông hàng hóa, giải quyết lượng hàng tồn kho…

“Để DNNVV thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn, cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân DN. Cụ thể như, các tổ chức tín dụng cần xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp đối với các DNNVV; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của DN sau khi giải ngân; tăng cường quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu…”, bà Hà Thu Giang, Phó trưởng phòng Tín dụng Chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đề xuất

Lệ Thúy
.
.
.