Tín dụng ì ạch, ngân hàng vật vã tìm đầu ra cho dòng vốn
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện các nhà băng tiếp tục dư thừa vốn. Cụ thể, tính đến ngày 21/8, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,66%, huy động vốn tăng 8,12% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục dư thừa, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp. Về số tiền “dư thừa” trong hệ thống NH, hiện không có con số chính xác và cụ thể, bởi đồng vốn luôn luân chuyển, nay rảnh, mai không, nhưng theo một nguồn tin có thẩm quyền đề cập, lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế cỡ khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng mỗi ngày. Với con số này, ngành NH đang đối mặt với tình trạng “béo phì” rất dễ gây tổn hại cho sức khỏe của chính mình.
Dư thừa vốn, ngay từ giữa tháng 8, một số NHTMCP Nhà nước đã giảm nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại BIDV chỉ còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 5,75%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng... Việc các NH lớn điều chỉnh lãi suất huy động kéo các NHTMCP điều chỉnh theo.
Ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp tốt vay với lãi suất thấp. |
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận là dù giảm lãi suất huy động, nhưng dòng tiền vẫn chảy vào các nhà băng vì các kênh đầu tư khác chưa mấy khả quan. Để được hưởng lãi suất cao nhất, nhiều khách hàng đã lựa chọn gửi với kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng, thay vì 1-2 tháng như trước đây. Bên cạnh đó, đầu tư chứng khoán cũng được một số cá nhân lựa chọn. Tại Báo cáo chiến lược thị trường tháng 9 mới đây của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng: “Với chuỗi tăng giá vừa qua, chứng khoán đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần nắm giữ nguồn vốn trong nước, những người gửi tiền đang không hài lòng với lãi suất hiện nay”.
Tìm đầu ra cho dòng vốn khó khăn, một số NH đã chấp nhận hướng dòng tiền vào mua trái phiếu Chính phủ (TPCP). Theo số liệu thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, Chính phủ thông qua Kho bạc Nhà nước đã phát hành một lượng vốn trái phiếu trên 150 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cả năm 2013 và các NH tiếp tục là những nhà đầu tư chính. Không phải chỉ mua TPCP trong nước, nhà băng còn hướng cả dòng vốn ra bên ngoài. Mới đây, NH Liên doanh Lào Việt (Lao Viet Bank) đã ký kết hợp đồng mua phát hành 30 triệu USD TPCP với đại diện Bộ Tài chính Lào.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc đầu tư vào TPCP thực ra là biện pháp đối phó với tình trạng đầu ra khó khăn. Nhưng về lâu dài, NH không thể dùng tiền huy động của dân chúng để sử dụng phần lớn vào mua TPCP. Dĩ nhiên NH bao giờ cũng có một lượng TPCP nhất định để giữ tính thanh khoản, nhưng nếu dùng phần lớn tiền huy động của dân chúng để cho Chính phủ vay thì nó không đúng chức năng của ngành NH, vì chức năng của NHTM là huy động vốn từ dân chúng, rồi dùng vốn đó cho vay ra nền kinh tế. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận TPCP rất an toàn.
Còn phía cơ quan quản lý, để kích thích tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ dành một lượng tiền cung ứng sẵn sàng cho vay với các chương trình tái cấp vốn Chính phủ đề ra như cho vay chương trình 30.000 tỷ hỗ trợ nhà cho vay tái canh cây café… Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của các lĩnh vực này tăng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan. “NHNN sẽ linh hoạt điều hành để làm sao các tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng cho vay”- đại diện NHNN nói