Tìm 'lối ra' cho cây mắc ca
Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.
Trong Nghị định số 210/2013, Chính phủ quy định hẳn một điều về hỗ trợ trồng cây mắc ca (macadamia) trong đó quy định hỗ trợ nhà đầu tư cây mắc ca có quy mô từ 50ha trở lên 15 triệu đồng/ha hoặc hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca với mức hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng.
Và mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng đã đồng ý về nguyên tắc xây dựng đề tài khoa học "Phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Bắc" để phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Bắc đạt hiệu quả.
Tuy nhiên cũng còn không ít băn khoăn. Theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 200.000ha trồng mắc ca tại Tây Nguyên và 30.000ha tại Tây Bắc.
Mục tiêu này là quá cao nếu lưu ý rằng, sau mấy chục năm phát triển, đến nay cả thế giới mới có 80.000ha.
Mặt khác, mắc ca là cây bản địa của Australia, cũng đã có câu hỏi tại sao Australia không mở rộng ồ ạt? Mắc ca cũng là cây á nhiệt đới, mà vùng khí hậu á nhiệt đới trên thế giới là rất nhiều chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Thêm nữa, cây mắc ca có năng suất thấp, đầu tư ban đầu cao, công nghệ cao mà lợi nhuận lại “khó dự báo”.
Có người dân phản ánh qua báo chí, ở huyện Lâm Hà, Đức Trọng (Lâm Đồng), một số bà con đã trồng mắc ca và cho thu hoạch nhưng không bán được. Còn hiện tại, giá thu mua hạt đủ tiêu chuẩn là 70 nghìn đồng/kg.
Trước những băn khoăn của dư luận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã họp với các nhà khoa học để tìm “lối ra” cho loại cây còn nhiều tranh cãi này.
TS Hà Huy Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đánh giá: Mặc dù đến nay, một số mô hình trồng mắc ca đã thành công ở nước ta, tuy nhiên về cơ bản, đây vẫn là đối tượng cây trồng mới, cần thận trọng.
Cho rằng cây mắc ca có giá trị kinh tế nên phát triển ở nước ta, tuy nhiên, GS.TS Lê Đình Khả vẫn đề nghị cần thận trọng, chỉ nên mở rộng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công và mỗi nơi phải chọn một giống phù hợp.
“Phải xem mắc ca là cây cần thâm canh, không nên xem là cây lâm nghiệp bình thường”, GS Khả nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, việc quy hoạch cho mắc ca hiện mới chỉ nhìn vào các yếu tố tự nhiên, đưa ra con số rất chung chung mà chưa xét kỹ về các yếu tố kinh tế - xã hội, đánh giá về triển vọng thị trường, khả năng cạnh tranh…
Kết luận về việc trồng cây mắc ca, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Việt Nam nên phát triển cây mắc ca như một cây trồng mới nhưng cần thận trọng và chỉ trồng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công, như tại Tây Bắc và Tây Nguyên.
Ông Cao Đức Phát cũng khuyến cáo, người dân chỉ nên trồng những giống mắc ca đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia hoặc giống tiến bộ.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng giao nhiệm vụ cho các Sở NN&PTNT quản lý từng trại giống “chỉ cho bán các loại giống xác nhận từ các vườn được phép”.
Bộ NN&PTNT cấm tuyệt đối các hoạt động ươm giống, buôn bán giống chưa được cấp phép cũng như nghiêm cấp nhập khẩu giống mà chưa qua khảo nghiệm...