Chuyện người quản lý

Tìm giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông

Thứ Bảy, 13/12/2014, 16:06
Thời gian qua, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải luôn giành được sự quan tâm và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và ngành giao thông. Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” được Bộ GTVT tổ chức ngày 12/12, nhiều ý kiến cho rằng, để hợp tác công - tư (PPP) giao thông, thì cần có cơ chế kiểm soát, chia sẻ rủi ro hữu hiệu.

Mở đầu cuộc hội thảo, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) chia sẻ, chỉ tính riêng năm 2014, đến thời điểm này, ngành giao thông đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Mặc dù ngành giao thông đã huy động được một nguồn vốn khổng lồ từ xã hội hóa, tuy nhiên, vị Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư cũng thẳng thắn chỉ ra thực tại, việc huy động vốn đầu tư vào ngành giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tại hội thảo, đại diện cơ quan chức năng, chuyên gia tài chính và các nhà đầu tư dự án giao thông cũng kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án. Chia sẻ kinh nghiệm, khả năng hỗ trợ Việt Nam trong việc hoạch định chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy đầu tư mạnh hơn nữa vào cơ sở hạ tầng theo mô hình PPP, ông Laurence Carter, Giám đốc Cấp cao PPP Ngân hàng Thế giới cho biết, PPP là công cụ mua sắm đấu thầu, xác định nhiều lợi ích khả thi trong xây dựng, tuy nhiên yêu cầu chi phí giao dịch cao để giảm đầu tư, huy động vốn nên cần cân nhắc áp dụng hình thức này.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, cho rằng: Các dự án BOT giao thông chủ yếu trông chờ vào nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại trong nước (thông thường khoảng 85% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án). Với vòng đời dự án BOT khoảng 20 năm thì việc sử dụng vốn vay thương mại thông thường dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, việc thực hiện các dự án PPP cũng có những khó khăn, rủi ro nên cần phải đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước-chủ đầu tư-người dân.“Việt Nam sẽ tiếp thu tinh hoa của thông lệ thế giới, áp dụng phù hợp vào điều kiện đặc thù cụ thể của Việt Nam. Nhiều đề xuất của doanh nghiệp tại hội thảo này rất hay. Như việc thu phí, nếu dự án BOT vượt tiến độ cho thu phí ngay. Nếu chậm thì trừ vào thời gian hợp đồng. Đấy là những qui định rất tích cực. Để làm sao BOT, PPP có thể kiểm soát, nâng cao việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo sự công khai minh bạch…”.

Thanh Huyền
.
.
.