Quảng Ninh:

Tìm giải pháp ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

Thứ Năm, 17/04/2014, 04:37
Trung bình mỗi ngày, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 2.000 lượt người xuất cảnh qua biên giới buôn bán, làm việc (sáng đi, chiều về).

Trong quý I/2014, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Móng Cái phát hiện, lập hồ sơ xử lý 31 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, cư trú và phối hợp xác minh, nhận trở lại số người Việt Nam nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ là 778 đối tượng; vận động, tuyên truyền, giáo dục và yêu cầu gần 320 công dân Việt Nam từ các địa phương khác ra TP Móng Cái (nghi vấn tìm cách xuất cảnh sang Trung Quốc tìm việc làm) trở về địa phương sinh sống.

Phần lớn người lao động ở các địa phương khác đổ về Móng Cái tìm việc làm có trình độ văn hoá thấp, kỷ luật lao động không cao. Họ làm việc tự phát, không qua cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng nên quyền lợi không được bảo đảm theo quy định của pháp luật hai nước.

Trong quý I/2014, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Móng Cái phát hiện, lập hồ sơ xử lý 31 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, cư trú và phối hợp xác minh, nhận trở lại số người Việt Nam nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ là 778 đối tượng; vận động, tuyên truyền, giáo dục và yêu cầu gần 320 công dân Việt Nam từ các địa phương khác ra TP Móng Cái (nghi vấn tìm cách xuất cảnh sang Trung Quốc tìm việc làm) trở về địa phương sinh sống.

Lao động phổ thông tại TP Móng Cái.

Phần lớn người lao động ở các địa phương khác đổ về Móng Cái tìm việc làm có trình độ văn hoá thấp, kỷ luật lao động không cao. Họ làm việc tự phát, không qua cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng nên quyền lợi không được bảo đảm theo quy định của pháp luật hai nước. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người vượt biên, các đối tượng môi giới nói rằng không cần làm giấy tờ, hộ chiếu. Nhiều người không ngần ngại nộp tiền (từ 2-5 triệu đồng/trường hợp) rồi theo chỉ dẫn đi ô tô xe khách đến cửa khẩu Móng Cái sẽ có người đón và đưa sang bên kia biên giới.

Trên thực tế, những lao động “chui” ở Trung Quốc phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an vì xuất cảnh và cư trú bất hợp pháp, có thể bị phát hiện, bắt giữ, phạt tiền, cải tạo lao động bất cứ lúc nào. Ngoài ra, chủ sử dụng lao động còn có nhiều mánh khóe để không phải trả lương cho công nhân hoặc tìm cách “xù nợ” như: báo bắt người lao động "chui" để trục xuất về nước, hoặc dùng chiêu bài sau 4-5 tháng mới trả lương một lần, gần đến ngày trả lương thì gọi điện trình báo cảnh sát. Dù phải lao động cực nhọc nhưng nhiều lao động ở các địa phương không dám bỏ trốn vì không biết ngôn ngữ, không có tiền trong người, nếu ra ngoài thì cũng chẳng biết đi đâu. Nhiều người vì thế buộc phải ở lại cho đến khi sức tàn, lực kiệt mới được trở về nước. Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người…

Anh Đỗ Văn Hưng, trú tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, một nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động kể lại: đầu tháng 12/2013, đang trong cảnh thất nghiệp lại được một người giới thiệu sang Trung Quốc làm việc với thu nhập khá, anh Hưng nhận lời. Sau hơn 2 ngày đêm di chuyển, khi đến một trang trại vùng núi thuộc tỉnh Quảng Tây, anh Hưng và 6-7 người Việt Nam khác phải làm công việc chặt, vác mía từ sáng sớm đến tối mịt, buổi trưa chỉ được nghỉ ít phút. Mỗi tấn mía, chủ  khoán với giá 80 NDT (tương đương 170.000 đồng), trừ chi phí ăn uống hàng ngày chỉ còn 40 NDT. Đây là vùng rừng núi, ban ngày nắng gắt, ban đêm nhiệt độ và sương xuống lạnh buốt. Ăn uống chỉ cầm chừng với món cơm và rau trộn, cuộc sống vô cùng khổ sở. Sau gần một tháng sồng trong cảnh khổ cực, anh Hưng và một lao động khác bỏ trốn về Việt Nam… Đây chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động. 

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành phải có biện pháp giải quyết, hạn chế tối đa tình trạng người lao động sang Trung Quốc làm thuê trái phép. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng dịch chuyển người lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê rất khó kiểm soát, ngăn chặn. Nguyên nhân dẫn tới nhu cầu tìm việc làm của lao động tự do ở khu vực biên giới tăng cao một phần là do cuộc sống của người dân tại các vùng biên giới còn nhiều khó khăn, người lao động không có việc làm hoặc việc làm thu nhập thấp. Đồng thời, do những thay đổi trong chính sách quản lý biên mậu phía Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, do đó, nhiều lao động tại Móng Cái bị mất việc làm, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên họ vượt biên sang Trung Quốc tìm việc làm.

Được biết, để ngăn chặn tình trạng lao động sang Trung Quốc làm thuê trái phép và bảo vệ quyền lợi của người lao động, mới đây Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai một số biện pháp như: thành lập tổ liên ngành hỗ trợ, tư vấn lao động khu vực biên giới với sự tham gia của các ngành LĐ-TB-XH, Công an, Biên phòng…; thiết lập đường dây nóng giữa tổ công tác với các địa phương và người lao động kịp thời giải quyết vụ việc phát sinh, bảo vệ quyền lợi người lao động. Bên cạnh đó, Sở kiến nghị nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động ký hợp đồng cung ứng lao động với doanh nghiệp của Trung Quốc

Đăng Hùng
.
.
.