Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đóng góp ý kiến cho Luật Hỗ trợ DNNVV, PGS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần tạo môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, tăng cơ hội nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tăng cường sự tham gia của công chúng, doanh nghiệp và đảm bảo chính sách hỗ trợ không “bóp méo” thị trường.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đầu mối để thực hiện việc trợ giúp DNNVV; đồng thời, nghiên cứu để đa dạng hóa các nhóm chính sách hỗ trợ, nhưng cần xác định các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để có các quy định phù hợp, đáp ứng nhu cầu được hỗ trợ của DNNVV.
Trong 9 tháng đầu năm, có 48.330 DN khó khăn, buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng hoạt động kinh doanh của DNNVV chưa được cải thiện, quy mô của DN hạn chế. Trong khi đó, mức đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật của DNNVV thấp; DN thiếu vốn đầu tư máy móc, công nghệ. Tài sản cố định bình quân của DNNVV thấp, duy trì ở mức 4-7 tỷ đồng/DN và không có cải thiện trong suốt giai đoạn 2006-2012.
Các DNNVV tư nhân mặc dù chiếm tới 97% số lượng DN nhưng lại rất khó khăn và hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, việc thực thi một số chính sách hỗ trợ dành cho DNNVV vẫn còn có khoảng cách nhất định. Số lượng DN khó khăn và giải thể hoặc ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, việc nghiên cứu các nội dung cho Luật Hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ DNNVV cần phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hơn theo hướng đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương với vai trò đầu mối của một cơ quan điều phối chung về DNNVV, đảm bảo nguồn lực không bị phân tán và hiệu quả của công tác hỗ trợ cũng có thể đo đếm được