TP HCM:

Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA

Thứ Bảy, 28/10/2006, 09:30

Sở Giao thông công chính TP HCM hiện quản lý 4 dự án có sử dụng vốn ODA với tổng số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản (JIBIC), 1 dự án sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và 1 dự án sử dụng vốn ODA từ Chính phủ Pháp. Tiến độ thực hiện các dự án này quá chậm đã gây lãng phí lớn…

Bốn dự án sử dụng vốn ODA gồm: dự án đại lộ Đông - Tây, dự án cải thiện môi trường nước, dự án xây dựng trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng và dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Đây là những công trình trọng điểm của TP, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và đặc biệt là giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông, cũng như vực dậy tiềm năng kinh tế không chỉ TP HCM mà cho cả khu vực phía Nam. Các dự án này đều có sử dụng vốn vay nhưng tiến độ triển khai quá chậm so với kế hoạch, gây lãng phí rất lớn.

Tiến độ… rùa

Chẳng hạn, dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây có tổng vốn đầu tư 660.660.000 USD, tương đương 9.863 tỷ đồng. Trong đó vốn ODA do JIBIC tài trợ là 428.276.000 USD (chiếm 64,82%) tổng mức đầu tư dự án. Theo kế hoạch thì dự án sẽ hoàn thành năm 2007. Nhưng với tiến độ thi công như hiện nay thì nhiều gói thầu của dự án cũng chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu thực hiện. Điển hình như 2 gói thầu "Xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm" và "Xây dựng đường phía Tây và mở rộng đường ven kênh". Theo hợp đồng ký kết tháng 1/2005 với các nhà thầu nước ngoài thì hai gói thầu này sẽ hoàn thành trong thời gian 36 tháng kể từ ngày ký kết. Nhưng đến nay, gói thầu "Xây dựng hầm vượt  sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm" chỉ thực hiện được 29% khối lượng và gói thầu "Xây dựng đường phía Tây và mở rộng đường ven kênh" chỉ mới thực hiện được 26%.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, dự án này vẫn còn 74 hộ và 14 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện di dời. Mặc dù số hộ di dời không nhiều nhưng đã gây không ít khó khăn cho việc thi công. Như tại gói thầu số 3, việc rà phá bom mìn hiện khó triển khai tiếp do bị vướng các hộ dân chưa chịu giải tỏa…

Còn với dự án vệ sinh môi trường (lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có tổng vốn đầu tư 199.960.000 USD, tương đương 2.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA là 166.340.000 USD do WB tài trợ. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2007 dự án cũng sẽ hoàn thành, nhưng đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, nhiều gói thầu triển khai hết sức ì ạch...

Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án

Giải thích những chậm trễ trên, các đơn vị thực hiện các dự án đều nêu những lý do như: dự án đại lộ Đông Tây và dự án cải thiện môi trường nước, đang vướng các hộ dân, cơ quan, đơn vị chưa di dời giải tỏa và các dự án này bị chậm trễ trong việc phê duyệt các thủ tục; dự án xây dựng trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng thì khó khăn trong việc chọn lựa nhà thầu tư vấn thiết kế có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên ngành để thực hiện gói thầu. Khó khăn trong việc lựa chọn các thiết bị vật tư tiên tiến; dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thì do có một số nơi ở khu vực công trường có hiện tượng lún sụt làm nứt nhà dân, nhà thầu phải mất thời gian để giải quyết…

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTCC TP HCM cũng đưa ra nhiều lý do gây chậm trễ các dự án có vốn ODA, đặc biệt là thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn và giỏi ngoại ngữ tham gia quản lý (do mức lương thấp). Cũng theo ông Trần Quang Phượng, để đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA thì cần sớm có hướng dẫn các thủ tục pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Hơn nữa, sự chậm trễ các ngành chức năng trong việc phê duyệt các thủ tục cũng ảnh hưởng nhiều đến thời gian thực hiện dự án.

Ông Trương Trọng Nghĩa - Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP đề xuất: Cần có cán bộ chuyên trách điều hành các dự án sử dụng vốn ODA để cùng với các ngành liên quan giải quyết các thủ tục, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Đây là các dự án sử dụng vốn vay mà vay thì phải trả nên không thể để tình trạng trì trệ, chậm trễ kéo dài.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, cũng yêu cầu Sở GTCC cần có những đề xuất cụ thể những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án để có hướng kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đã đến lúc các cơ quan chủ quản của thành phố phải xử lý kiên quyết những tồn tại kéo dài, đặc biệt là việc các nhà thầu luôn "nại ra" những yếu tố khách quan: Không thực hiện đúng những điều đã cam kết

Thuý Hà
.
.
.