Tiêu huỷ hàng giả... không dễ
Với đặc điểm là thị trường tiêu thụ lớn và phát luồng về các địa phương, Hải Phòng được xác định là điểm nóng về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... (gọi tắt là HGHN).
Trong nhiều năm qua, các lực lượng thuộc Chi cục QLTT Hải Phòng đã tập trung cao độ để triển khai các biện pháp kiểm soát, phát hiện và xử lý các đối tượng kinh doanh HGHN trên địa bàn. Hàng ngàn vụ việc từ sản xuất đến lưu thông các loại HGHN đã được phát hiện, thu giữ. Đến mức tất cả các kho tang vật thuộc Chi cục đều đã chật ních.
Đây chính là lúc Chi cục QLTT lại đối mặt với khó khăn từ một tình huống tưởng như đơn giản: Xử lý tiêu huỷ tang vật là HGHN.
Trụ sở 2 của Chi cục QLTT là cả một khu vực rộng lớn tại địa điểm 19 đường Lê Lợi thuộc quận Ngô Quyền. Đây là trụ sở chung cho các Đội chủ lực theo từng chuyên đề của Chi cục. Nhưng đã từ lâu, chúng trở nên chật chội, bị lèn chặt bởi sự ứ đọng các kiện, thùng chứa HGHN do các đơn vị thu giữ trong quá trình kiểm tra thị trường.
Vì là HGHN nên không thể thực hiện các biện pháp bổ sung như thanh lý, hoá giá nhằm giảm tải. Theo nguyên tắc, chúng phải được đem đi xử lý trước sự chứng kiến của cả một Hội đồng do thành phố lập ra.
Vì những khó khăn khách quan, công tác xử lý tiêu huỷ không thể thực hiện thường xuyên kiểu như phát hiện, thu giữ đến đâu tiêu huỷ đến đó nên mới có sự ứ đọng gây bức xúc cho chính người trong cuộc, tức Chi cục QLTT.
Và khi không thể chờ lâu hơn được nữa, ngày 3-10, cuộc tiêu huỷ tất cả các tang vật HGHN đã được tiến hành ngay trong khuôn viên trụ sở 2 chi cục QLTT, số 19 đường Lê Lợi.
Hàng hoá tiêu huỷ gồm 36 chủng loại với gồm hàng vạn vật phẩm là rượu chai, hộp mỹ phẩm, bình nước Laska, thuốc lá 555, Virginia Gold, mì chính, bánh, kẹo, mứt, sơn, sữa hộp Ensure, pháo các loại, súng, kiếm, mác, rìu nhựa, đạn nhựa có khả năng sát thương....
Tất cả đều là đồ giả, kém phẩm chất, quá thời hạn lưu hành hoặc lập lờ gian lận, có thể gây thiệt hại cho người sử dụng trên nhiều phương diện.
Ngoài ra, Hội đồng cũng tiến hành tiêu huỷ 73 nghìn nhãn mác hàng hoá phục vụ cho việc làm hàng giả, 30 túi gồm hàng ngàn loại bao bì sản xuất để đựng hàng giả... Trong đó, có rất nhiều nhãn mác được in ấn rất công phu với động cơ đánh lừa khách hàng nhằm tăng khả năng doanh thu, lợi nhuận.
Nhìn vào "núi" tang vật chuẩn bị tiêu huỷ mới thấy được phần nào sự gian nan, vất vả của lực lượng QLTT. Mỗi một lô hàng giả vụ việc là một chiến công góp phần vào việc bình ổn thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng.
Cứ tưởng tiêu huỷ là kết thúc cả một quy trình, việc đơn giản hơn nhiều so với điều tra, phát hiện và thu giữ. Nhưng trên thực tế lại khác.
Theo bà Nguyễn Thị Sắn, Phó trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng, nếu đúng quy trình thì phải phân loại đối tượng hàng hoá tiêu huỷ thuộc nhóm nào phải xử lý bằng công nghệ riêng cho nhóm đó.
Đơn vị có chức năng tiêu huỷ cũng sẽ phải chứng minh công nghệ tiêu huỷ đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường mới có thể ký được hợp đồng tiêu huỷ.
Cũng chỉ vì những lệ thuộc này mà rất khó tìm đối tác đủ điều kiện. Hàng cần tiêu huỷ ngày càng ứ đọng, chiếm hết chỗ làm việc của anh em. Sau nhiều lần đề xuất và được sự đồng ý của Hội đồng tiêu huỷ thành phố, Chi cục QLTT không còn sự lựa chọn nào khác là tiêu huỷ thủ công. Nghĩa là, cái gì đập được thì đập, đốt được thì đốt, hoặc xe cán, tưới nước, băm, chặt v.v... Miễn sao phải làm cho chúng mất đi tác dụng, công năng của tên gọi loại hàng hoá đó.
Ví dụ, với rượu ngoại giả, sữa hộp, đập vỡ, xé hộp là xong, thuốc lá, nhãn mác thì đem đốt, pháo, thì tưới nước, đĩa DVD, VCD thì bẻ, băm...
Vì tiêu huỷ thủ công nên phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xử lý hết đống tang vật to như núi, khói bốc ngút trời, khét lẹt hệt như đám hoả hoạn.
Nhưng không phải cái gì cũng có thể đập, băm, chặt, đốt được. Bà Sắn cho biết thêm: có những loại hàng hoá trước khi tiêu huỷ phải đưa đi giám định chất lượng, giám định thật, giả, mà thông thường chi phí khá cao nên khó cho lực lượng QLTT.
Chẳng hạn, hàng chục chủng loại mũ bảo hiểm giả hiện chi cục đang thu giữ, nếu đưa đi giám định, mỗi loại mũ chi phí 1 triệu đồng, tổng chi phí lên tới vài chục triệu đồng.
Do đó, riêng mũ bảo hiểm, chi cục đang dừng lại chờ xin ý kiến xử lý của thành phố, có thể thành lập hội đồng để giải quyết. Với 34 thùng sơn giả dán nhãn mác sơn Hải Phòng, Chi cục đã phải ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng đưa về xử lý tại lò đốt rác thải công nghiệp với chi phí 5 triệu đồng.
Qua vụ xử lý tiêu huỷ trên đây mới thấy, công tác đấu tranh chống HGHN đã khó, nhưng việc tiêu huỷ chúng còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều.
Nếu thành phố không có cơ chế, quy định rõ ràng chắc chắn những trở ngại từ công tác tiêu huỷ sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả đấu tranh