Tiêu huỷ 1.234 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu Charles & Keith và Pedro

Thứ Ba, 15/12/2015, 14:57
Sáng nay (15- 12), Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lí kinh tế và chức vụ (PC46 – Công an TP Hà Nội) tổ chức tiêu huỷ 1.234 sản phẩm thời trang (túi xách, ví, giày…) giả mạo nhãn hiệu Charles & Keith và Pedro đang được bảo hộ tại Việt Nam. 

Nhãn hiệu Charles & Keith của công ty Charles & Keith International Pte. Ltd (Singapore) được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu số 89025 cấp ngày 19- 9- 2007. Trong khi đó, nhãn hiệu Pedro của Pedro Group Pte. Ltd (Singapore) được bảo hộ theo đăng kí quốc tế số 924706 cấp ngày 8- 2- 2007. Toàn bộ 1.234 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Charles & Keith và Pedro được tịch thu, tiêu huỷ theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Những chiếc túi Charles & Keith được làm giả tinh vi.

Tại Việt Nam, vi phạm về sở hữu công nghiệp ngày càng có dấu hiệu tinh vi và phức tạp hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã triển khai 54 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Qua thanh tra đã phát hiện 40 cơ sở vi phạm, chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại…Trong số đó, 39 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền trên 1,6 tỉ đồng; 1 cơ sở bị phạt cảnh báo. Bên cạnh việc phạt hành chính, Thanh tra Bộ cũng tiến hành tịch thu để tiêu huỷ 1.292 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermes, Gucci, LV; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên 73.000 sản phẩm gồm dược phẩm, mĩ phẩm, kem đánh răng, xe đạp điện, xe máy điện…

Ông Trần Minh Dũng – Chánh thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ cho biết, mặc dù mức xử phạt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã tăng lên tối đa 500 triệu đồng nhưng số vụ vi phạm chưa có dấu hiệu giảm, trái lại tính chất vi phạm ngày càng tinh vi hơn. Do lợi nhuận cao, nhiều cơ sở sẵn sàng tìm cách qua mặt lực lượng chức năng.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu huỷ 1.234 sản phẩm giả mạo. 

“Việt Nam đã tham gia Hiệp định TPP, việc thực thi quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quan tâm hàng đầu khi hội nhập quốc tế. Nhiều người nghĩ chúng ta đang bảo hộ cho nước ngoài nhưng không phải vậy, chúng ta bảo hộ để chuẩn bị cho mình thói quen và ý thức trong quá trình hội nhập” – ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng nói thêm: “Để có thể xử lí được những vụ việc như vừa qua cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng Công an. Thanh tra Bộ thường xuyên phối hợp với Phòng PC46 để phát hiện, xử lí các cơ sở sản xuất, tàng trữ hàng giả, hàng nhái. Nếu xâm nhập những cơ sở này mà không có sự phối hợp của lực lượng Công an thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Hiện nay, với hơn 1.600 sản phẩm hàng giả, hàng nhái thu giữ, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để chuyển cho cơ quan Công an tiến hành khởi tố hình sự”.

Khánh Vy
.
.
.