Tiếp tục siết chặt kinh doanh vận tải xe khách, taxi

Thứ Năm, 14/08/2014, 10:16
Để tránh tình trạng manh mún, hợp tác xã vận tải, doanh nghiệp chỉ có một vài xe ôtô cũng được hoạt động, đồng thời siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ôtô và taxi, Bộ GTVT đang lấy ý kiến người dân về việc sửa đổi NĐ91 và NĐ93, cũng như Thông tư 18 về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô.

Theo Dự thảo NĐ thay đổi NĐ91 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương quy định, đối với xe taxi, từ ngày 1/7/2016, phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Đặc biệt, dự thảo quy định taxi hoạt động tại khu vực đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có niên hạn sử dụng không quá 8 năm và không quá 12 năm tại các địa phương khác. Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách bằng taxi phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó.

Dự kiến, từ ngày 1/1/2016, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có số xe tối thiểu là 10 chiếc; riêng đối với đô thị loại đặc biệt, phải có số xe tối thiểu là 50 chiếc. Để bảo đảm việc giám sát hoạt động, ngăn ngừa taxi dù, dự thảo đề xuất trước ngày 1/7/2015 sẽ bắt buộc tất cả taxi phải lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).

Một taxi gian lận cước ở Hà Nội từng bị lực lượng thanh tra giao thông xử lý.

Trao đổi với phóng viên CAND, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, để quản lý chặt lượng taxi hoạt động trên địa bàn Hà Nội, Sở vừa có đề xuất gửi lên UBND thành phố việc cấp đổi phù hiệu “Taxi Hà Nội” thay thế phù hiệu “Xe Taxi” cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố, và dự kiến bắt đầu từ ngày 15/8 tới.

Không chỉ là xe taxi, theo dự thảo Nghị định 91 sửa đổi, việc kinh doanh vận tải khách bằng ôtô cũng được quản lý, siết chặt hơn so với trước kia. Ngay cả việc doanh nghiệp vận tải muốn dừng hoặc giảm tần suất khai thác trên tuyến cũng không còn được tùy tiện như trước kia mà phải có thông báo tới cơ quan chức năng trước 15 ngày. Sau đó, đơn vị kinh doanh phải nộp lại phù hiệu của xe. Bến xe có trách nhiệm thông báo rộng rãi, công khai tại hai đầu bến đến/đi. Ngoài ra, xe ôtô kinh doanh vận tải khách phải có chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật, có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp đối với người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai theo lộ trình: xe ôtô đăng ký khai thác kinh doanh vận tải lần đầu, thực hiện từ 1/1/2016; xe ôtô đang khai thác thực hiện từ ngày 1/7/2017. Cũng với vận tải khách bằng ôtô, dự thảo quy định, kể từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã phải có số lượng phương tiện tối thiểu đáp ứng theo quy định...

Tại dự thảo NĐ sửa đổi này, hầu hết các Bộ, ngành địa phương đều có trách nhiệm trong việc quản lý kinh doanh vận tải bằng ôtô, từ Bộ GTVT, Bộ Công an, đến Bộ Y tế, Bộ KH-CN… Dự kiến, cả NĐ và Thông tư sửa đổi, thay thế sẽ được ban hành trong năm 2014

Thanh Huyền
.
.
.