Tiếp tục gỡ vướng trong việc cho vay đóng tàu vươn khơi

Thứ Hai, 25/05/2015, 08:52
Những quy định nhân văn trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển vẫn “ì ạch” khi tiếp cận cuộc sống. Hàng loạt những lo lắng của địa phương, cũng như ngành Nông nghiệp đang được chỉ đạo tháo gỡ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau 8 tháng thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) đã có 628 chiếc tàu đăng ký đóng mới, trong đó 267 tàu vỏ thép, vật liệu mới 44 chiếc, vỏ gỗ 317 chiếc và 80 tàu đăng ký nâng cấp.

Đến nay, 31 tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp đã ký được hợp đồng tín dụng với tổng số tiền 271 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 11 năm, mức cho vay từ 60-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu.

Tuy vậy, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, các địa phương và ngư dân còn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu.

Đại diện nhiều tỉnh, thành cũng cho rằng, nguyên nhân chậm trễ trong việc hỗ trợ ngư dân là do thiếu vốn đối ứng khi ngư dân lựa chọn đóng mới tàu. Hơn nữa, thủ tục, trình tự đăng ký mẫu tàu, vay vốn còn nhiều rào cản.

Đồng tình, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn có tâm lý nghe ngóng vì thời gian cho vay ngắn mà giá trị đóng mới một con tàu rất lớn.

Hơn nữa, nhiều ngư dân cho biết, mẫu thiết kế tàu cá của Bộ NN&PTNT không phù hợp với thực tế, nên khi các mẫu đưa ra, ngư dân phải đăng ký mẫu mới với Tổng cục Thủy sản, đẩy chi phí đóng tàu lên cao hơn.

Một con tàu được đóng nhờ chính sách vay ưu đãi theo Nghị định 67.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định nhận định, 21 mẫu tàu do Bộ NN&PTNT đưa ra đều không đáp ứng thực tế đánh bắt của ngư dân địa phương.

Trước những bất cập phát sinh từ việc triển khai Nghị định 67 trong cuộc sống, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị định 67 một cách hiệu quả, chặt chẽ, thủ tục hồ sơ phải đơn giản minh bạch, nhưng đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Trước mắt, Phó Thủ tướng đồng ý 4 đối tượng sau đây được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định 67:

Các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép.

Các tổ chức, cá nhân nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Các tổ chức, cá nhân có tàu công suất từ 400 CV trở lên thực hiện một hoặc nhiều hạng mục nâng cấp tàu (gia cố vỏ tàu; nâng cấp hầm bảo quản; mua ngư lưới cụ; trang thiết bị khai thác; trang thiết bị hàng hải; trang thiết bị bảo quản; bốc xếp hàng hóa) mà không thay máy thì được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Các thành viên nghiệp đoàn nghề cá có tham gia hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được hưởng chính sách bảo hiểm như là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.

Về thiết kế mẫu tàu, đối với trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT quy định các trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép nhưng không làm thay đổi tính năng, an toàn của tàu cá và ủy quyền cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt.

Đối với thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, thẩm định và phê duyệt bảo đảm phù hợp với tập quán của ngư dân, đặc thù vùng biển của địa phương.

Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép thực hiện vốn đối ứng theo tiến độ hoặc theo định kỳ. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể.

Tuy nhiên, trước những bất cập phát sinh từ thực tế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Nghị định, thống nhất phương án, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Chi Linh
.
.
.