Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan

Thứ Năm, 01/07/2010, 13:46
Mặc dù ngành Thuế, Hải quan đã đơn giản các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cắt giảm chi phí, thủ tục, thời gian… nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn cho rằng khi tiếp cận thông tin với các lĩnh vực này vẫn còn bị vướng "rào cản" hoặc gặp rắc rối thì "không biết hỏi ai".

Thuế và Hải quan, đó là hai lĩnh vực mà hầu hết các doanh nghiệp thường bị "vướng mắc" nhiều nhất trong thời gian qua. Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp chiếm đến hơn 60% doanh nghiệp toàn quốc. Riêng tại TP HCM, số doanh nghiệp chiếm đến 35%. Vì vậy, việc khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục về thuế và hải quan đã phần nào làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Tại buổi gặp gỡ với hơn 500 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam vừa diễn ra tại TP HCM, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới chính sách, thủ tục thuế và hải quan như ở giai đoạn 1 của Đề án 30 của Chính phủ, Bộ đã rà soát công bố 840 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở rà soát TTHC, Bộ đã kiến nghị đơn giản hóa 100% TTHC về thuế, 95% TTHC trong lĩnh vực hải quan và 51% thủ tục trong lĩnh vực kho bạc. Tính toán sơ bộ, nếu thực hiện các phương án đơn giản hóa TTHC thì dự kiến sẽ cắt giảm được 31% chi phí tuân thủ so với hiện tại, tương đương khoảng 3.031 tỷ/năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giảm chi phí, thủ tục, thời gian…

Mặc dù ngành Thuế, Hải quan đã đơn giản các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cắt giảm chi phí, thủ tục, thời gian… nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn cho rằng khi tiếp cận thông tin với các lĩnh vực này vẫn còn bị vướng "rào cản" hoặc gặp rắc rối thì "không biết hỏi ai".

Điển hình như thắc mắc của Công ty CP Xây dựng và Phát triển Tây Ninh: Công ty là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa trước khi Nghị định 24/2007/NĐ-CP có hiệu lực. Doanh nghiệp thường xuyên sử dụng hơn 800 lao động. Cục Thuế Tây Ninh hướng dẫn doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được miễn giảm 2 năm nhưng kiểm toán Nhà nước không nhất trí. Vì vậy, công ty đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn về vấn đề này?

Còn thắc mắc của Công ty CP XNK Gia Định – TP HCM: Công ty cổ phần hóa từ tháng 6/2002 được hưởng ưu đãi về thuế TNDN miễn 2 năm và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo vì có doanh thu xuất khẩu đạt trên 30% tổng doanh thu. Công ty đăng ký hưởng ưu đãi từ năm 2003.

Năm 2004, công ty có đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập chi nhánh sản xuất hàng mỹ nghệ. Công ty hạch toán riêng các hoạt động kinh doanh. Vậy công ty có tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế TNDN hay không? Công ty TNHH Vũ Hoàng Hải cũng nêu ý kiến, Công ty là doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc diện được giảm 30% thuế TNDN của quý IV năm 2008 theo quyết định của Chính phủ nhưng khi quyết toán, công ty đã không kê khai số miễn giảm. Đến năm 2010, Cục Thuế kiểm tra phát hiện tăng số thuế thì công ty có được xem xét giảm 30% thuế TNDN theo số liệu của cơ quan thuế kiểm tra không?...

Hóa giải những thắc mắc trên của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết: Cổ phần hóa sau thời điểm NĐ 24 có hiệu lực thì không được ưu đãi thuế TNDN. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải chịu trách nhiệm về số thuế truy thu của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.

Cơ quan tài chính sẽ hướng dẫn cụ thể về số tiền truy thu thuế; còn chính sách thuế là công bằng giữa các thành phần kinh tế. Ưu đãi theo ngành thuế TNDN theo tỷ lệ doanh thu xuất khẩu (trên 30%), nếu công ty mở rộng hạch toán chung mà không đạt được tỷ lệ doanh thu xuất khẩu thì không được hưởng ưu đãi; công ty được điều chỉnh kê khai trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra kiểm tra. Trường hợp đến thời điểm kiểm tra không kê khai thì không được giảm thuế…

T.Hà - T.Ngà
.
.
.