Tiền từ đâu đổ vào thị trường chứng khoán?

Thứ Tư, 15/04/2009, 16:53
Các chuyên gia cho rằng, gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, tiền chủ yếu đổ vào sản xuất kinh doanh, nhưng có một phần vốn sẽ vào chứng khoán vì theo quy luật, chỗ nào sinh lời sẽ thu hút được vốn.

Sau khi tuột dốc không phanh và liên tục thiết lập đáy mới, trong nửa tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhưng phiên giao dịch bứt phá ngoạn mục với nhiều kỷ lục được lập về khối lượng giao dịch khớp lệnh cao nhất. Sức nóng trên TTCK cho thấy các nhà đầu tư (NĐT) đang trở về với kênh này. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra là dòng vốn đang đổ vào chứng khoán là từ nguồn nào?

Khi vấn đề này được đặt ra tại hội thảo bàn về lãi suất ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, TTCK nóng lên trong nửa tháng gần đây cho thấy dòng tiền đang đổ về kênh đầu tư này. Tất nhiên không ai khẳng định được dòng tiền đổ vào kênh này là do đâu, đặc biệt là liệu có hay không tiền kích cầu của Chính phủ đi sai mục đích?

Phía NHNN cho biết: các cơ quan chức năng, dư luận xã hội và NHTM chưa phát hiện các trường hợp tiêu cực cụ thể về lợi dụng cơ chế hỗ trợ lãi suất. Như vậy, nếu kết luận tiền đổ vào chứng khoán là tiền từ ngồn vốn kích cầu thì có vẻ hơi quy chụp. Tuy nhiên, căn cứ để nghi ngờ không phải là không có khi mà cùng với lúc Chính phủ hỗ trợ lãi suất thì TTCK lại nóng lên liên tục.

Trao đổi với các PV bên lề cuộc hội thảo, ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội cho rằng rất có thể  vốn kích cầu đang đổ vào chứng khoán. Ông phân tích: Hiện cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp chưa có gì đột phá, bất động sản tăng chậm, đầu tư vàng có nhiều rủi ro trong khi chứng khoán đang “có sóng”. Ngân hàng đang “tháo khoán” vốn, lãi suất có điều chỉnh nhưng mức tăng không ăn thua gì so với chứng khoán.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp không được sử dụng vốn vay kinh doanh để đầu tư chứng khoán nhưng trong thực tế, khó phân biệt được khoản vay doanh nghiệp hay vay cá nhân nếu người vay tiền cố ý hợp thức hóa khoản vay.

Một số chuyên gia kinh tế thì cho rằng: một trong những dòng tiền đang đổ về chứng khoán là từ kênh đầu tư vàng. Khi giá vàng đột ngột tăng vọt, lên tới mốc 2 triệu đồng/chỉ, các NĐT ôm vàng trước đó đã tranh thủ cắt lãi, bán tháo, khiến cho thị trường vàng nóng lên hầm hập. Tuy nhiên, mức giá trên 1,9 triệu đồng/chỉ vẫn tiếp tục giữ, vàng có lên xuống nhưng dao động không quá lớn, nên nhiều người đã không còn hào hứng với kênh đầu tư này nữa. Vì thế, người ta đã tìm đến chứng khoán.

Với sự tấp nập của thị trường vàng và người dân liên tục bán ra đang cho thấy lượng vàng dự trữ trong dân là khá lớn. Ước tính của các doanh nghiệp và chuyên gia về kinh doanh vàng, con số này có thể 800 tấn, tương đương hơn 24 tỉ USD.

Cùng với nguồn tiền từ đầu tư vàng, một kênh khác cũng được các chuyên gia nhắc đến đó là tiền gửi tiết kiệm. Thực tế, dù các NH đang ra sức tăng lãi suất huy động, nhưng với mức cao nhất là 8,8% như hiện nay, thì lãi suất tiền gửi không thực là một kênh hấp dẫn đối với các NĐT. Bằng chứng cho vịêc này là cuộc đua lãi suất huy động tại các NHTM đang có manh nha hình thành.

Theo số liệu thống kê, trong quý I/2009, vốn huy động tại các NH trên địa bàn Hà Nội giảm 0,36%, và theo xu thế, sẽ tiếp tục giảm trong quý II. Trên địa bàn TP HCM, tình trạng của các NH cũng tương tự. Điều này cho thấy người dân đã không còn mặn mà với lãi suất gửi tiết kiệm. Và rất nhiều người trong số này đã chấp nhận đầu tư vào chứng khoán, với mong muốn tránh sự mất giá của đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận lớn các nhà đầu tư đã từng tham gia vào thị trường chứng khoán, đã từng "nếm trái đắng" với hàng đống cổ phiếu rớt giá thê thảm, nay chấp nhận cắt lỗ, lấy vốn quay vòng để bù vào.

Tuy nhiên, hiện nay, tất cả mọi ý kiến của các chuyên gia cũng chỉ dừng lại ở phán đoán vì thực tế, vẫn chưa có một khẳng định chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng về ngồn gốc của dòng tiền đang đổ vào TTCK .

Trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng không thể nói là nguồn vốn kích cầu đổ có đổ vào chứng khoán hay không, nhưng thực tế tín dụng NH tặng chậm trong thời gian gần đây là một điều cần đặt ra.

"Theo tôi, việc giám sát dòng tiền nào đổ vào chứng khoán là không khó vì UBCKNN có thể giám sát từ phía các NĐT, xem đó là các cá nhân hay các công ty, các DN, và họ có thuộc đối tượng được cho vay kích cầu hay không, từ đó có thể xác định được rõ dòng tiền đổ vào chứng khoán là từ đâu. Tôi cũng nhấn mạnh rằng trách nhiệm giám sát đường đi của gói kích cầu là thuộc về NHNN chỉ đạo các NHTM. Trong trường hợp này, NHNN có thể phối hợp với UBCKNN để xác định và sự phối hợp giữa các bộ ngành luôn là cân thiết", bà Lan nói.

Còn ông Nguyễn Sơn, Trưởng Ban Phát triển thị trường, UBCKN cho rằng việc kiểm tra, kiểm soát hiện tượng tiền kích cầu đổ vào chứng khoán không hề đơn giản vì cơ chế kiểm tra của NHNN chủ yếu dựa trên sổ sách. Ông Sơn khẳng định rằng gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, tiền chủ yếu đổ vào sản xuất kinh doanh, nhưng có một phần vốn sẽ vào chứng khoán vì theo quy luật, chỗ nào sinh lời sẽ thu hút được vốn.

Trước đây, khi chứng khoán quá nóng, chúng ta đòi hỏi phải làm rõ bao nhiêu tỉ đồng dư nợ cho vay chứng khoán nhưng không tách bạch được vì khi vay vốn sản xuất kinh doanh, đồng vốn có thể đi vòng vèo vào chứng khoán.

Nhà đầu tư nên cân nhắc khi đổ tiền vào chứng khoán

Ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho rằng cơ hội đầu tư, kênh đầu tư là do chính những người đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, trong thời gian này, dù thị trường chứng khoán nóng thật nhưng hiện vẫn chưa nhìn thấy sự phát triển vũng chắc của thị trường này.

TTCK phát triển phụ thuộc vào sức khoẻ của các DN, tức là xuất phát từ nền tảng kinh tế. Thực tế hiện nay, tuy kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về xuất khẩu, về việc làm... Điều này đặt ra một lo ngại là sự phát triển của TTCK tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính phủ cần phải có những định hướng cũng như có các chính sách vĩ mô và phía NĐT cần cân nhắc kỹ khi đổ tiền vào kênh đầu tư này

L.T.

Lệ Thuý
.
.
.