Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm: Đua nhau lập NH, hậu quả khó lường

Thứ Bảy, 10/05/2008, 11:39
Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, TS Cao Sỹ Kiêm giải thích: Các tập đoàn, tổng công ty cứ đổ xô vào hoạt động ngân hàng nhưng vốn ít, nhân sự thiếu thì khả năng rủi ro, không kinh doanh được là rất lớn… Một NH “vỡ” sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời là một trong những người có vai trò trong việc chống lạm phát ngay từ thời kỳ đất nước còn bộn bề khó khăn những năm đầu đổi mới. Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm đã có cuộc trao đổi bên lề Quốc hội ngày 8/5.

- Thưa ông, là chuyên gia lâu năm trong lãnh đạo, điều hành hoạt động Ngân hàng Nhà nước, ông đánh giá thế nào khi hiện nhiều tập đoàn, tổng công ty liên kết chạy đua thành lập ngân hàng? Trong điều kiện lạm phát ở mức cao, hiện tượng này có tác động gì?

Hoàn toàn không nên. Việc đua nhau lập ngân hàng sẽ dẫn tới những vấn đề sau: Một là nhân sự không có; hai là thị trường bây giờ không xác định được, khách hàng không có. Trong lúc lạm phát như thế này thì khả năng rủi ro, không kinh doanh được là rất lớn. Nếu để như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, các ngành này vốn ít nhưng lại tập trung vào ngành không phải "sở trường" của họ, ví dụ như lập ngân hàng đầu tư tài chính thì các ngành khác không hoàn thành, bị ảnh hưởng, có khi bị đổ vỡ... Đây là điều rất không nên và cần phải được chỉnh sửa nhanh và kiên quyết.

- Dường như các ngân hàng còn mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp, biểu hiện rõ nhất là cuộc đua tăng lãi suất vừa rồi?

Khi tăng lãi suất thì cũng có ngân hàng mạnh, ngân hàng yếu, ngân hàng thích nghi được, ngân hàng không, phải có sự phân loại. Hay là thời kỳ nào chúng ta tăng cái gì, giảm cái gì, liều lượng các biện pháp ấy cũng phải khác nhau, phải có sự đồng bộ phối hợp rất chặt chẽ trong hệ thống ngân hàng và đối với các ngành khác như là lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, chứng khoán, bất động sản... Thực tế cho thấy nhiều ngân hàng đang bộc lộ những bất cập này...

- Thưa ông, nhưng lẽ ra chúng ta sau hơn 20 năm đổi mới, qua nhiều đợt lạm phát thì việc này đã có những kinh nghiệm để không mắc sai lầm?

Ngân hàng biết điều đó nên họ làm rất mạnh, nhưng không phối hợp được với các ngành khác. Ví dụ như một lúc đưa ra việc tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất rồi đưa trái phiếu Chính phủ ra trong khi các lĩnh vực khác họ chưa làm đồng bộ, cho nên khi làm mạnh thì bón cục lại, tắc lại chỗ khác ngay.

- Xin cảm ơn ông!

Đăng Trường
.
.
.