Tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền: Được nhiều hơn mất

Thứ Bảy, 10/06/2017, 09:53
Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất đang được xem là giải pháp để giúp nông nghiệp Việt Nam “cất cánh”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia băn khoăn làm thế nào để tích tụ ruộng đất thực sự hiệu quả, không dẫn đến tình trạng bần cùng hóa nông dân. Các chuyên gia còn cảnh báo có thể hình thành tầng lớp “địa chủ mới” nếu tháo hạn điền ồ ạt…


Ông Vũ Hoàng Bắc, người dân huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết, ông và gia đình có truyền thống làm nông nghiệp từ mấy chục năm nay, hết trồng các loại rau, củ nay gia đình ông đầu tư vào trồng dưa lưới. Hiện tại mô hình trồng dưa lưới của gia đình ông rải rác tại TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận với diện tích trên mấy trăm hecta nhưng ông không dám một mình đứng tên mà phải nhờ nhiều người khác… do vướng chính sách hạn điền. Điều mà ông sợ nhất là khi có một dự án quy hoạch nào đó thì địa phương cấm không cho chuyển nhượng, không cho xây dựng trong khi đó nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp là rất lớn.

Cùng cảnh ngộ với ông Bắc, ông Võ Quan Huy cho biết, sau 40 năm làm nông nghiệp, cả ngàn hécta đất của ông hiện ở rải rác nhiều nơi, đều phải nhờ người khác đứng tên. 

Ông cho biết thêm, mới đây, một tỉnh ở Đông Nam bộ ra thông báo không cho xây dựng, chuyển nhượng trong khu vực mà ông có hơn 80ha đất đang trồng nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Điều này làm cho những người làm nông nghiệp lớn như ông cảm thấy bất an, bởi chỉ cần địa phương công bố quy hoạch khu vực nào đó là biết bao tiền của và công sức đầu tư vào 80ha đất nhiều năm của ông xem như... mất.

Vườn dưa lưới của gia đình ông Vũ Hoàng Bắc.

Ông Huy cũng cho biết, vừa qua, khi các nơi bàn chuyện giải cứu chuối thì trang trại chuối FOHLA của ông vẫn thu hoạch và xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản. Đó là vì ông đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác, đầu tư lớn để có thể đáp ứng nhu cầu, các điều kiện của hợp đồng xuất khẩu, thay vì trồng theo kiểu tự phát, manh mún từng hộ không có sự liên kết. Thực tế cho thấy, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ thời gian qua đã chạm trần, không thể có sản phẩm hàng hóa đồng đều và chất lượng như đòi hỏi của thị trường. Đến lúc cần có sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp vào nông nghiệp, cùng với nông hộ để tổ chức lại sản xuất.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2017 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và Bộ Tư pháp phải nghiên cứu chính sách, hoàn thành trong quý III tới. Thông điệp này đã một lần nữa được Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị về lúa gạo (An Giang) mới đây như một giải pháp đột phá về thể chế để tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn.

Một số chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp đồng ý với việc đẩy mạnh tích tụ ruộng đất nhưng hãy để cho thị trường điều tiết. Thực tế cho thấy không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất thì nông nghiệp khó mà phát triển được nên chúng ta phải chấp nhận một sự mất mát nào đó. Tuy nhiên, Nhà nước phải có chính sách cụ thể, hiệu quả và hợp lý. Ví dụ nếu người dân không còn mảnh đất để đi về thì trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng cho người dân cuộc sống tốt hơn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh, tích tụ hay tập trung đất đai cuối cùng là nhằm bảo đảm quyền tự do tài sản. Chỉ có quyền tự do tài sản thì DN mới mạnh dạn đầu tư, bởi nếu mua mà không có lợi họ sẽ không mua. Đó là triết lý cơ bản. Do vậy hãy để quyền sở hữu ruộng đất được chuyển nhượng theo đúng quy định, theo giá đất của thị trường quyết định. Không nên áp đặt bằng chính sách, quy định mà Nhà nước chỉ đứng ra bảo vệ quyền tự do sở hữu tài sản.

Tại Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân 2017 diễn ra mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ ra những khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam như sản xuất manh mún, chưa tập trung vào chất lượng, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, thu nhập, đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP cho rằng, với mức hạn điền như hiện nay vẫn có thể tích tụ ruộng đất, vẫn có nhiều cánh đồng lớn. Thực tế khảo sát cho thấy có rất nhiều hộ nông dân sở hữu đến vài chục hecta đất, DN lớn có hàng trăm, hàng nghìn hécta đất. Việc đưa gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp và nhiều chính sách ưu đãi cho DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, theo bà Minh nếu làm theo phong trào, làm không “khéo” sẽ sa lầy, sẽ bần cùng hóa bỏ rơi nông dân.

Theo TS Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cần bỏ quy định về hạn điền để việc tích tụ đất đai diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật thị trường. Các chủ thể (ở đây là chủ DN, người có vốn muốn đầu tư vào nông nghiệp) đàm phán với nông dân để có diện tích lớn, đây là quan hệ hợp đồng có pháp lý rõ ràng. Ai có nhu cầu mua bán đều được, không bị quy định về hộ khẩu. Điều quan trọng là tích tụ đất đai phải đảm bảo an toàn tài sản tối đa cho cả người dân và DN.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đề xuất một số giải pháp cho bài toán đất đai hiện nay. Thứ nhất là chấp nhận một bộ phận nông dân sẽ bị mất đất và bộ phận đó sẽ được bổ sung vào thị trường lao động. Một bộ phận thoát ly để trở thành người làm thuê là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động chứ không bị cưỡng ép. Thứ hai, tất cả động thái tích tụ và tập trung đều nên thực hiện bằng chính sách phù hợp. Thứ ba là về mặt chính sách, nếu khuyến khích thì khuyến khích tập trung đất, còn nên để tích tụ đất tự nhiên và tách biệt với tập trung. 

“Tôi xin lấy ví dụ các trang trại Bắc Âu có 70% diện tích là thuê của nông dân, DN chỉ sở hữu khoảng 30%. Nếu thực hiện theo cách này sẽ khuyến khích nông dân chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình. Bởi lẽ họ sẽ có thu nhập, về già họ sẽ còn lấy được tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống”, TS Trần Du Lịch dẫn chứng. 

Theo ông, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là tổ chức hệ thống phân phối để làm sao giảm chi phí sản xuất, tính đầu ra cho hàng nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định chắc chắn không cách nào nông nghiệp phát triển được nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. 

“Cái mất nếu tích tụ đất là một bộ phận nông dân mất đất, thiếu việc làm. Khả năng rất có thể xảy ra là có một bộ phận nhỏ DN lợi dụng chủ trương tích tụ để đầu cơ không chính đáng, gắn với cán bộ chính quyền xin dự án, từ đất nông nghiệp sang đất thương mại, làm nông nghiệp nửa chừng, thua lỗ thì điều chỉnh quy hoạch chuyển sang phân lô bán đất nền. Nhà nước cần quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng này”, ông Trung lưu ý.

Hoàng Phạm
.
.
.