Thuỷ điện nhỏ: Lợi bất cập hại

Thứ Sáu, 02/09/2011, 12:29
Vào mùa khô, khi cả nước thiếu điện thì thủy điện nhỏ chả đóng góp được gì. Mùa mưa, khi chúng ta thừa điện thì các nhà máy lại phát được tràn trề. Điều này đã chứng minh, các dự án thuỷ điện nhỏ không giải quyết được bài toán thiếu điện, thậm chí còn gây ra nhiều hệ lụy...

Theo quy hoạch, giai đoạn từ 2005 đến 2010 (có xét đến 2015), Hà Giang có 68 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất hơn 688 MW, dự kiến cung cấp sản lượng điện gần 3 tỷ kWh/năm; thì đến thời điểm này (8/2011), gần hết năm 2011, mới chỉ có vỏn vẹn 5 dự án đã đi vào phát điện. Số dự án bị ra quyết định thu hồi do chậm đầu tư còn nhiều hơn số dự án đã hoàn thành. Đây là “căn bệnh” chung của các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên toàn quốc: dự báo quá lạc quan về hiệu quả, thổi phồng vai trò, trong khi thực tế đang chứng minh ngược lại.

Hàng loạt dự án bị thu hồi

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ giai đoạn I của Hà Giang ban hành năm 2005, trên địa bàn tỉnh có 25 dự án với tổng công suất dự kiến đạt 452,9MW, điện năng trung bình đạt 1,902 tỷ kWh/năm.

Năm 2009, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định bổ sung thêm 43 dự án trên sông Lô và sông Chảy. Tuy số dự án nhiều hơn gần gấp đôi, nhưng công suất chỉ bằng 1 nửa (235,7MW), do “gạn đục khơi trong”, quy mô dự án ngày càng nhỏ. Trong số đó đã có 43 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, với tổng công suất lắp máy 650MW (đạt trên 94% công suất theo quy hoạch). Các dự án trên được kỳ vọng cấp điện trung bình khoảng 2,728 tỷ KWh/năm, với giá trị khoảng 1.637 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế diễn biến không thuận lợi như vậy.

Đập thủy điện Nhà máy Nho Quế 3 (Mèo Vạc, Hà Giang).

Sang năm 2011, số công trình hoàn thành đưa vào phát điện chỉ đạt hơn 10%, với vỏn vẹn 5 dự án. Số còn lại đa phần là chậm tiến độ, hoặc đang tranh chấp, hoặc đã bị thu hồi vì đầu tư chậm trễ... Các dự án trước đó được hứa hẹn sớm hoàn thành, “góp phần chủ động nguồn năng lượng phục vụ phát triển KT-XH”, “mỗi năm còn đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách”, “tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động”... như một số bài báo đã tung hô, giờ chẳng thấy đâu.

Được biết, riêng trên địa bàn Hà Giang, hiện có 4 dự án đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Đó là dự án thủy điện Phương Độ, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2007, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thể triển khai do có tranh chấp giữa Công ty cổ phần Thủy điện Phương Độ với Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện và khoáng sản Hà Giang. Dù vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ xem xét kết luận, nhưng các bên liên quan vẫn chưa thỏa thuận, giải quyết xong.

Tiếp đó là dự án thủy điện Sông Miện 4, được giao đầu tư từ 2007, đã khởi công nhưng đến nay phải tạm dừng. Cuối cùng là dự án thủy điện Bản Kiếng, cũng khởi công từ 2007, nhưng do chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính và kỹ thuật nên dự án triển khai quá chậm và hiện đã bị tạm đình chỉ. Hà Giang đã phải ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư của 6 dự án do các chủ đầu tư “xí phần” rồi để đấy.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các tỉnh khác khi thời gian vừa qua, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam đã đề xuất UBND tỉnh và Bộ Công thương thu hồi giấy phép 6 dự án thủy điện chậm tiến độ, không khả thi và ảnh hưởng đến môi trường. Các tỉnh khác như Lào Cai và Khánh Hòa cũng có báo cáo đề xuất thu hồi thêm khoảng 17 dự án chậm triển khai. Trước đó, vào năm 2010, Bộ Công Thương đã loại bỏ 38 dự án và điều chỉnh quy mô 35 dự án khác.

Thủy điện nhỏ: Chàng tí hon khoác chiếc áo khổng lồ?

Ngoài số dự án đã được triển khai hết sức ít ỏi, hiện Hà Giang còn 13 dự án đã có chủ trương nhưng chưa cấp giấy phép đầu tư, và một “lô” dự án chưa có nhà đầu tư để mắt đến, vì công suất quá nhỏ (chỉ từ 1- 3MW) và ở vùng sâu, vùng xa.

Thực tế “ế ẩm” của các dự án trên hóa ra lại là một điều may, bởi nếu không sẽ rơi vào tình trạng y như Lào Cai, Kon Tum và Quảng Nam hiện nay: có nhà máy rồi nhưng không biết chuyển điện đi đâu vì không có đường dây. Hiện các nhà máy công suất hàng 20, 30MW của các địa phương trên còn đang “méo mặt”, nói gì đến những nhà máy công suất không bằng 1/10.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Đỗ Đức Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết: Hiện trên cả nước có gần 1.000 dự án thủy điện vừa và nhỏ được đưa vào quy hoạch, với tổng công suất gần 5.900MW. Tuy nhiên, đến nay con số dự án đã đi vào vận hành mới chỉ khoảng 100 dự án, với tổng công suất khoảng 600MW. Tất cả những dự báo quá lạc quan trước đó về cơ cấu nguồn điện vấp phải “cái tát” phũ phàng của thực tế, khi không chỉ tiến độ, mà công suất phát điện thực tế của các thủy điện nhỏ cũng bất định.

Vào mùa khô, khi cả nước thiếu điện thì thủy điện nhỏ chả đóng góp được gì. Mùa mưa, khi chúng ta thừa điện thì các nhà máy lại phát được tràn trề. Điều này dẫn đến nghịch cảnh thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, năm 2010, khi phải liên tục tiết giảm do thiếu điện, họ chỉ huy động được 1 triệu kWh/ngày từ các dự án thủy điện vừa và nhỏ, chưa được 1/20 nhu cầu, dù 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên được đầu tư hàng trăm các dự án thủy điện.

Điều này đã chứng minh, bất kể số lượng nhiều, các dự án không giải quyết được bài toán thiếu điện, thậm chí còn gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, về lãng phí đầu tư hiện vẫn chưa có cách giải quyết. Dù sau khi thực tế phơi bày, quan điểm về phát triển thủy điện nhỏ đã có thay đổi. Tuy nhiên, mớ lộn xộn bày ra từ trước đó với hàng trăm nghìn tỷ đã đầu tư vẫn đang chờ gỡ rối, dù chưa biết sẽ được gỡ ra sao.

Sau sự cố bục đường ống ở công trình thủy điện Đạm Bol (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng) ngày 14/6 vừa qua, làm một người chết, một người mất tích và 3 người trọng thương đã dấy lên mối lo ngại về an toàn của các dự án thủy điện.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang: “Việc kiểm soát chất lượng thiết bị của các dự án thủy điện hiện nay còn nhiều bất cập. Đa số các chủ đầu tư ký hợp đồng mua thiết bị mà không có sự tham gia kiểm soát chất lượng của các cơ quan chức năng”. “Chất lượng thiết bị tùy thuộc vào năng lực kỹ thuật và khả năng tài chính của chủ đầu tư” – những yếu tố không có gì để đảm bảo chắc chắn.

Tình trạng này diễn ra tương tự ở tất cả các địa phương trên cả nước, khi thiết bị gần như 100% được mua từ Trung Quốc (do giá rẻ) và việc kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền còn nhiều bất cập.

Hân Quân
.
.
.